Mục tiêu của chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) gạch không nung đến năm 2020 đã được chính phủ phê duyệt là thay thế 30 – 40% gạch sét nung với yêu cầu bắt buộc các công trình nhà từ 9 tầng trở lên phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Đây chính là động lực khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi sản xuất loại vật liệu này.
Tiến sĩ. Trần Văn Huynh – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam tìm hiểu thực tế dây truyền công nghệ gạch không nung
Tuy nhiên, đến nay, quá trình xây dựng và phát triển ngành vật liệu gạch không nung ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn vừa phát triển vừa tìm tòi tổng kết để tìm ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, thị trường Việt Nam có nhiều loại vật liệu gạch không nung đang được ưa chuộng như: gạch block bê tông, gạch bê tông khí bọt, đá chẻ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp và địa phương chưa đánh giá đúng ý nghĩa của công nghệ mới nên sản lượng vật liệu không nung cung ứng cho thị trường vẫn còn khiêm tốn. Toàn quốc hiện có 80 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung với tổng công suất đạt khoảng 1.600 triệu viên/năm; trong đó chỉ có 131 dây truyền công suất vừa và lớn đạt sản lượng 552 triệu viên/năm, số còn lại đều có quy mô nhỏ.
Ông Đào Đức Diễn – phó chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư & công nghệ Đức Thành:
Để chủ động công nghệ và đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, Công ty Đức Thành đang hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nghiên cứu để chế tạo dây chuyền công nghệ có công suất 5 – 15 triệu viên/năm với tỷ lệ nội địa hóa 85 – 90%.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, công ty cổ phần đầu tư và công nghệ Đức thành đã hợp tác với công ty Fufan (Trung Quốc) nghiên cứu chế tạo và chuyển giao công nghệ ép tĩnh thủy lực song động. Đây là đơn vị đầu tiên của Trung Quốc nghiên cứu chế tạo thành công công nghệ ép tĩnh thủy lực song động đạt tiêu chuẩn châu Âu được xuất khẩu ra 25 nước trên thế giới. Theo đánh giá của hội vật liệu xây dựng Việt Nam, dây chuyền sản xuất gạch ống không nung Fufan có công nghệ vượt trội so với những dây chuyền công nghệ trước đây đã có tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô công nghiệp hiện đại, đặc biệt có thể sử dụng nguyên liệu có phẩm cấp thấp trong khi lượng xi măng chỉ dùng khoảng 8-10% sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm mặt bằng sản xuất, một dây chuyền công suất 30 triệu viên/năm chỉ cần diện tích mặt bằng khoảng bảy ngàn m2. Lợi thế mà công nghệ hướng đến là những nguồn nguyên liệu gần như vô tận từ tro xỉ của những bãi khai thác đá hay nhà máy nhiệt điện, phân lân hay tất cả các nhà máy công nghiệp sử dụng than đốt mà than xỉ vẫn bị coi là phế thải gây ô nhiễm; các loại phế thải trong công nghiệp công nghệ cao kể cả các phế thải từ quặng và trong luyện kim, cơ khí các loại phế thải trong xây dựng.
Ông Đào Đức Diễn – phó phủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư và công nghệ Đức Thành – cho biết, Fufan và Đức Thành sẽ mang đến thị trường Việt Nam 4 dòng máy sản xuất gạch ống không nung xi măng cốt liệu công suất từ 15 – 65 triệu sản phẩm/năm, sản phẩm sản xuất ra có kích thước và mẫu mã hoàn toàn giống các mẫu gạch tuynel đang có tại thị trường Việt Nam, hứa hẹn sẽ rất dễ tiếp cận đến người tiêu dùng dân cư với thói quen sử dụng gạch từ hàng chục năm nay.
Cũng theo chủ tịch hội VLXD Việt Nam, việc đưa dây chuyền mới về Việt Nam cần hướng tới không nhập khẩu hoàn toàn thiết bị. Một số thiết bị phụ trợ hoàn toàn có thể sản xuất trong nước nhằm giảm bớt giá thành cũng như chi phí vận chuyển. Đây là hướng đi giúp cho sự chuyển giao công nghệ đạt được hiệu quả tốt nhất.
(Nguồn: baocongthuong.com.vn)