Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường gặp những khó khăn rất lớn trong việc biểu lộ cảm xúc cũng như giao tiếp và xử lý các vấn đề có liên quan đến tương tác xã hội. Nhằm hỗ trợ cho những trẻ em bị mắc chứng tự kỉ, các nhà khoa học tại Đại học Tec de Monterrey, Mexico, đã tạo ra một loại robot hình người sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp cho trẻ tự kỉ có thể nhận diện được biểu cảm nét mặt của bản thân mình và những người xung quanh.
TecO được thiết kế với hình dạng một con gấu
Loại robot công nghệ cao này có tên là TecO. Chúng có khả năng phát hiện cáctín hiệu thần kinh phát ra từ những trẻ tự kỉ nhờ vào một bộ cảm biến khuếch đại gắn trên đầu của các em. Các tín hiệu thần kinh sẽ được bộ cảm biến ghi lại và sau đó gửi đến một máy tính nhằm chuyển đổi thành thông tin thần kinh đặc thù.
Các nhà tâm lý và nhà thần kinh học sẽ dựa vào những thông tin này để đánh giámức độ bệnh tự kỉ và vạch ra liệu trình chữa trị phù hợp trong tương lai.
“TecO sẽ phát hiện ra mọi suy nghĩ và ý định bất kì của bệnh nhân. Khi trẻ tự kỉ có những cảm xúc mạnh như buồn ngủ, giận dữ hoặc buồn bã, TecO sẽ điều chỉnh hoạt động của mình nhằm tạo ra sự tương tác thích hợp. Điều này sẽ dần dần cải thiện tình trạng tự kỉ ở các em“. Theo David Silva Balderas, chuyên gia về kĩ thuật tại Đại học Tec de Monterrey cho biết.
Vào thời gian trước, sự chuyển biến trong tâm lý của trẻ mắc bệnh tự kỉ là gần như không thể xác định được. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều vấn đề khó khăn đã được giải quyết.
TecO sẽ giúp thu hút sự chú ý của các trẻ em tự kỷ, thúc đẩy suy nghĩ của các em hướng ra ngoài xã hội chứ không phải là giam mình vào bên trong. Bên cạnh đó, robot này còn có khả năng làm giảm cảm giác lo lắng và sợ sệt.
Những nghiên cứu thực tế đã cho thấy rằng việc sử dụng TecO trong quá trình chữa trị cho các trẻ em bị mắc bệnh tự kỉ đã đem lại những thay đổi rõ rệt chỉ sau 2 tháng.
TecO là một công cụ rất hiệu quả trong việc đo lường sự tiến triển của bệnh nhân tự kỉ. Bằng cách dựa trên số lần trẻ tự kỉ nhìn về hướng robot cũng như phân tích những tấm ảnh chụp biểu cảm gương mặt và sự thay đổi trong đồng tử mắt, các nhà khoa học có thể đánh giá được mức độ tự kỉ của bệnh nhân.
Nếu như các trẻ tự kỉ tỏ ra không quan tâm đến TecO, robot này sẽ tạo ra những âm thanh hoặc chuyển động kì lạ để gây chú ý và tạo ra sự tương tác thích hợp.
TecO cao khoảng 50 cm. Chúng có khuôn mặt và cánh tay mô phỏng theo hình dạng một con gấu bông. TecO được làm bằng nhôm và hoạt động bằng điện. Những thế hệ đầu tiên của TecO đã được phát triển từ năm 2012 và dần hoàn thiện cho đến hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi tung ra thị trường, TecO có thể có giá khoảng 1.120 đô la (khoảng 25 triệu đồng). Tuy nhiên, họ cho rằng khoản tiền này là không lớn khi so sánh với những thiết bị công nghệ cao khác như laptop hay điện thoại thông minh.
Hơn nữa, hiện nay trung bình hàng tháng, phụ huynh của các trẻ tự kỷ phải trả khoảng 140 đô la (3,1 triệu đồng) để tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, tuy TecO có vẻ là một phương pháp chữa trị tốn kém lúc ban đầu, nhưng trong giai đoạn lâu dài, chúng sẽ thể hiện hiệu quả cao cả về chi phí kinh tế lẫn tiến triển trong quá trình chữa trị.
(Nguồn: Khoahoc.tv)