Nhu cầu và lợi ích của điện gió ai cũng biết, nhưng làm thế nào để biến tiềm năng ấy thành hiện thực thì không hề đơn giản, dù chính sách đã tương đối thuận lợi.
Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía nhà nước, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp sản xuất công nghệ cũng cam kết hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam, nhưng liệu ngành này có khởi sắc trong thời gian tới hay không, câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Cơ hội và thách thức
Tại Hội thảo Năng lượng gió Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 8/12/2014, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều khẳng định, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng năng lượng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, điều này rất hữu ích cho việc phát triển điện gió.
Ông Lê Tuấn Phong – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) – cho biết, với sự tăng trưởng kinh tế, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam ngày càng cao, trong khi nguồn cung ứng đang gặp nhiều thách thức. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020, trong đó tổng công suất điện gió phấn đấu đạt 1.000 MW, chiếm 0,7%, đến năm 2030 đạt 6.200 MW, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện quốc gia.
Trên thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện gió như cơ chế giá, thời gian mua bán, bao tiêu sản phẩm, nguồn vốn… Tuy nhiên, điện gió Việt Nam vẫn chưa có bước đột phá, bằng chứng là đã có nhiều nhà đầu tư âm thầm rút lui khỏi thị trường hoặc chậm triển khai dự án.
Ông Chris Beaufait – Chủ tịch Công ty Vestas khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Quốc – cho rằng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió là xu hướng chung, đồng thời là giải pháp tương lai của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt về phát triển điện gió gồm 3 vấn đề như thiếu nguồn vốn đầu tư; khả năng kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia chưa được tính đến và năng lực thiết kế, quản lý vận hành, bảo dưỡng… còn hạn chế.
Khó thu hút đầu tư vào điện gió
Nhu cầu và lợi ích của điện gió ai cũng biết, nhưng làm thế nào để biến tiềm năng ấy thành hiện thực thì không hề đơn giản, dù chính sách đã tương đối thuận lợi. Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ điện gió chưa phát triển vì nhiều lý do, như tính ổn định của nguồn gió, ảnh hưởng bão tố; chi phí đầu tư quá cao dẫn đến giá thành cao không thể cạnh tranh với các nguồn điện khác…
Theo vị đại diện Vestas, nếu so sánh về giá thành thì hiện điện gió đang phải cạnh tranh gay gắt từ điện khí gas và điện nhiệt than, cao hơn nhiều lần thủy điện. Như vậy, điện gió chỉ cạnh tranh được với điện chạy dầu, với chi phí thấp hơn khoảng 24%. Trong khi đó, giá mua vào theo quy định của Chính phủ Việt Nam với hàng loạt chính sách ưu đãi mới dừng lại 7,8 cent, còn mức đề xuất của các doanh nghiệp nước ngoài về giá mua phải tối thiểu trên 10 cent Mỹ.
Ông Chris Beaufait khẳng định, với khả năng kinh nghiệm của mình, Vestas có thể cung cấp nhiều loại công nghệ sử dụng được cả khi nguồn gió thấp và gió cao, với chi phí lắp đặt giảm 14% nhưng công suất tăng gấp đôi. Đồng thời cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những thách thức về nguồn tài chính, kỹ thuật, vận hành – bảo dưỡng, giảm tổn thất.
Tuy nhiên, khi được hỏi với cơ hội, tiềm năng như vậy, liệu Vestas có cùng các doanh nghiệp đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam không, vị này đã khẳng định công ty sẽ không tham gia đầu tư trực tiếp vào các dự án mà chỉ tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm nguồn vốn cho các nhà đầu tư thông qua các định chế tài chính; cung cấp công nghệ thiết bị tối ưu để làm sao doanh nghiệp có hiệu quả.
Dù có đưa ra giải pháp khả thi về tài chính, công nghệ, quản lý vận hành… nhưng với giá thành không cạnh tranh thì việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió, dự án năng lượng tái tạo vẫn chưa tìm được lối ra.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Đình Dũng/ Cafef, Báo Công Thương)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.