Mười năm qua, các cơ chế chính sách để phát triển ngành cơ khí được triển khai như thế nào; các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã thực hiện thành công đến đâu? Đây là một yêu cầu đặt ra tại hội nghị cơ khí toàn quốc ngày 11/4/2014.
Theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu chung của chiến lược phát triển ngành cơ khí là: ưu tiên phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm để đáp ứng về cơ bản nhu cầu của nền kinh tế quốc dân: thiết bị toàn bộ; máy động lực; cơ khí phục vụ nông- lâm- ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; máy công cụ; cơ khí xây dựng; cơ khí đóng tàu thủy; thiết bị kỹ thuật điện – điện tử; cơ khí ôtô- cơ khí giao thông vận tải. Trong đó, mục tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 -50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.
Với mục tiêu như vậy, trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Cụ thể như đối với chương trình cơ khí trọng điểm, để triển khai Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2003/QĐ-TTg ngày 9/6/2003 thành lập Ban Chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban; Bộ Công Thương đã thành lập tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo chương trình cơ khí trọng điểm và hội đồng thẩm tra các dự án cơ khí trọng điểm. Ngày 16/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2015.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ khác đối với ngành cơ khí: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ ngành cơ khí, cụ thể như về công tác đầu thầu; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công; chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện; chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện; công nghiệp hỗ trợ…
Kết quả 10 năm, nhiều chỉ tiêu chưa đạt Năm 2012, giá trị SXCN ngành cơ khí đạt 227,9 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so giá trị SXCN ngành cơ khí đạt được năm 2000 là 33.830 tỷ đồng. Năm 2013, giá trị SXCN ngành cơ khí ước đạt 251.185 tỷ đồng.
Tổng giá trị SXCN toàn ngành cơ khí (bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) năm 2012 đạt 699.570 tỷ đồng, trong đó, sản xuất trong nước 227.910,9 tỷ đồng. Như vậy, theo giá trị, năm 2012 ngành cơ khí trong nước mới đáp ứng được 32,58% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn so với so với mục tiêu đề ra trong Quyết định số 186/QĐ-TTg, theo đó ngành cơ khí phải đáp ứng 45-50% nhu cầu trong nước. Năm 2013 tổng giá trị toàn ngành cơ khí ước đạt 772.216,2 tỷ đồng.
Về xuất khẩu, năm 2006, giá trị xuất khẩu cơ khí đạt 1,878 tỷ USD. Năm 2012, giá trị xuất khẩu cơ khí đạt 12,1 tỷ USD, tương đương 242.825 tỷ đồng. Năm 2012, tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí/ tổng giá trị ngành cơ khí là: 242.825 tỷ đồng/699.570,9 tỷ đồng = 34,71% (cao hơn mục tiêu của chiến lược là 30%). Năm 2013, giá trị xuất khẩu cơ khí ước đạt 13,18 tỷ USD. Điều đó cho thấy, ngành cơ khí đang trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của nước ta.
Có thể điểm qua một số ngành như chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công, sản xuất xe gắn máy, ngành xi măng, ngành chế tạo thiết bị điện… sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả. Cụ thể trước đây, đối với các nhà máy thuỷ điện, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thuỷ công, thế nhưng hiện nay toàn bộ phần này có thể do các DN cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả đối với các nhà máy thuỷ điện lớn như Thuỷ điện Sơn La có công suất đến 2.400MW. Các liên danh cơ khí trong nước đã chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thuỷ điện: A Vương, Plêykrông, Bản Vẽ, Quảng Trị, Sesan 3, Sesan 4, Đồng Nai, Huội Quảng, Bản Chát, Sơn La v.v… với tổng trọng lượng thiết bị lên tới hàng chục ngàn tấn.
Hoặc về sản xuất xe gắn máy, đã có những tiến bộ vượt bậc, không những thoả mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu khoảng 150.000 xe/năm (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đạt khoảng 85 – 95%. Đối với ngành xi măng, cơ khí trong nước đã thiết chế tạo toàn bộ dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất đến 800.000 tấn/năm. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã tham gia chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng Sông Thao với tỷ lệ nội địa hóa đạt 70% về khối lượng, 40% về giá trị. Tổng công ty cơ khí xây dựng đã chế tạo thành công thiết bị phi tiêu chuẩn và hệ thống băng tải cho nhà máy xi măng Sông Gianh và chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ điện cho nhà máy xi măng Đồng Bành. Viện máy và dụng cụ công nghiệp đã chế tạo các trạm trộn bê tông xi măng công suất từ 120 đến 250 m3/giờ. Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam đã chế tạo thiết bị nhà máy xi măng Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa đạt 74% về khối lượng…
Nhìn vào các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí trên tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí năm 2012 mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của Chiến lược là đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước vào năm 2010). Về tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí/tổng giá trị ngành cơ khí năm 2012 đạt 34,71% đã vượt chỉ tiêu của chiến lược là 30%. Tuy nhiên, về nhập khẩu: năm 2006 giá trị nhập khẩu cơ khí là 8,7 tỷ USD. Năm 2012, giá trị nhập khẩu cơ khí là 22,460 tỷ USD. Năm 2013, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí ước đạt 24,8 tỷ USD, nhập siêu ngành cơ khí tương đối lớn hơn 10 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD; năm 2012 là 16,04 tỷ USD). Điều đó cho thấy mục tiêu phát triển ngành cơ khí còn nhiều bất cập. Phần lớn các lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Nguyên nhân từ đâu Có thể thấy, vướng mắc đầu tiên chính là từ cơ chế chính sách. Tuy hệ thống chính sách để phát triển ngành cơ khí đã tương đối đầy đủ nhưng trên thực tế chỉ có một số cơ chế, chính sách được triển khai có kết quả tốt như cơ chế 797/400 về chế tạo thiết bị cơ khí thủy công. Nhiều chính sách gặp khó khăn trong quá trình triển khai như các Chỉ thị 494/CT-TTg và 734/CT-TTg về công tác đấu thầu khó triển khai vì chủ đầu tư chưa tin tưởng vào các nhà thầu trong nước và các cơ quan quản lý thiếu kiểm tra quyết liệt quá trình thực thi của chủ đầu tư. Các chính sách hỗ trợ của chương trình cơ khí trọng điểm theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg gặp nhiều khó khăn về tài chính do Ngân hàng Phát triển Việt Nam khó khăn về nguồn vốn, đến nay mới chỉ có 2/11 dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được giải ngân với giá trị giải ngân là 60,73 tỷ đồng/tổng mức đầu tư của 11 dự án là 9.978,18 tỷ đồng. Lãi suất tín dụng đầu tư hiện nay là 10,8% nên không hấp dẫn các nhà đầu tư cơ khí. Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển chỉ xem xét, áp dụng cơ chế ưu đãi cho các dự án lớn, quan trọng nên các dự án có quy mô vừa và nhỏ khó tiếp cận được các cơ chế ưu đãi của các Quyết định này.
Thứ hai, ngoài sự thành công của các DN hỗ trợ ngành xe máy, các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí khác (ô tô; điện tử – tin học; dệt – may; da giầy; cơ khí chế tạo…) chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là: các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do chúng ta sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và sự ổn định, giá cả và mẫu mã theo yêu cầu của các DN sản xuất sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh (chủ yếu là FDI) nên chưa tham gia được chuỗi cung ứng của họ; dung lượng thị trường của các DN sản xuất sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh trong nước còn rất nhỏ, nhưng lại rất đa dạng về chủng loại nên không đảm bảo qui mô kinh tế, khó thu hút được các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vì không đảm bảo hiệu quả đầu tư; các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ như Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển chỉ phù hợp chủ yếu với các dự án lớn, quan trọng, trong khi các dự án sản xuất CNHT cơ khí phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận được các cơ chế ưu đãi của các Quyết định này.
Riêng đối với sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 11 dự án, chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Tổng hợp đồng tín dụng đã ký cho 3 dự án này là 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký. Còn lại các dự án khác do vướng mắc về thủ tục và hồ sơ, chưa trình hồ sơ vay vốn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó có 4 dự án của Vinashin đang được Bộ Giao thông vận tải rà soát lại vì nằm trong chương trình tái cơ cấu của DN này.
Ngoài ra, các chủ đầu tư các dự án có vốn trong nước chưa tạo điều kiện nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu; vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế; bản thân các DN nhà nước chậm đổi mới, các DN tư nhân quy mô nhỏ bé, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí – một lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác; năng lực quản lý, điều hành một số doanh nghiệp nhà nước lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế dẫn đến chưa hoàn thành nhiệm vụ (như Vinashin đối với ngành đóng tàu; Liama đối với dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng); hệ thống DN tư nhân chủ yếu ra đời trong quá trình đổi mới kể từ năm 1986 nên quy mô còn nhỏ bé, năng lực hạn chế, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí vì tỷ suất lợi nhuận thấp và thu hồi vốn chậm; việc đầu tư các dự án cơ khí còn mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp; thiếu sự phối kết hợp; công nghệ lạc hậu, dẫn đến chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế…
Ngành cơ khí Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức phát triển trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào quốc tế; Một số chuyên gia nước ngoài đánh giá ngành cơ khí Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển khi máy móc thiết bị trong ngành này đã lỗi thời và cần thay thế; ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chính xác v.v có triển vọng phát triển tốt. Với lợi thế tình hình chính trị ổn định và lực lượng lao động dồi dào, dân số trẻ, và giá nhân công tương đối rẻ, hiện đang có làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Thái Lan, Trung Quốc sang Việt Nam, Lào, Myanmar.
(Nguồn: baocongthuong.com.vn)