Các chuyên gia nhận blockchain có thể tạo nên cuộc cách mạng, làm thay đổi nền tảng hiện hành của chính phủ tại nhiều quốc gia.
”Blockchain đang ngày càng thu hút sự chú ý của lĩnh vực công. Nhiều chính phủ sẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ này”, Brian Forde, chuyên gia blockchain thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định.
IBM mới đây thực hiện khảo sát với 200 nhà lãnh đạo đến từ 16 quốc gia về kinh nghiệm và kỳ vọng của họ trong việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Kết quả được đưa vào nghiên cứu với tiêu đề: ”Xây dựng sự tín nhiệm của chính phủ: Khai phá tiềm năng của blockchain” chỉ ra những ứng dụng của công nghệ này trong việc giải quyết các thách thức trong cách thức vận hành của chính phủ. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới như Malta, Dubai, Nhật Bản…đã tiên phong ứng dụng blockchain để chuyển đổi quy định pháp lý, quản lý, dịch vụ công.
IBM nhận định: ”Blockchain mang đến cách thức tiếp cận mới, giúp tăng cường liên kết hữu cơ và minh bạch giữa chính phủ, tổ chức kinh doanh và công dân”.
Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng Blockchain.
Cơ chế cốt lỗi của blockchain nằm ở sổ cái phân tán. Các thông tin được ghi lại trong sổ cái được hiển thị và tiếp cận với tất cả các thành viên trong mạng lưới, do đó đảm bảo tính minh bạch, có thể dễ dàng kiểm tra và giám sát. Tầng bảo mật được thiết lập bởi hàm hash (mật mã) để mã hóa các chuỗi dữ liệu, một khi thông tin được ghi vào chuỗi khối là bất biến và không thể bị xâm phạm.
Theo các chuyên gia, cơ chế xác thực này tạo nên tính bảo mật cao của blockchain, giúp xây dựng một thể chế minh bạch, dễ kiểm soát và kiểm tra mà các chính phủ có thể tận dụng vào nền tảng quản trị hiện hành. Ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong chính phủ sẽ đảm bảo độ an toàn và bảo mật cho dữ liệu, không lo bị các quan chức biến chất can thiệp, cải thiện tính minh bạch, hiệu quả trong quản trị cũng như uy tín với công dân.
Mặc dù có ứng dụng nhiều nhất vào các hoạt động thanh toán và giao dịch, điển hình là tiền kỹ thuật số như bitcoin, tiềm năng của công nghệ chuỗi khối là rất lớn. Các chuyên gia nhận định, Blockchain là công nghệ có thể tạo nên cuộc cách mạng làm thay đổi nền tảng hiện hành của Chính phủ các nước. Những lĩnh vực tiềm năng có thể áp dụng công nghệ này như y tế, hệ thống quản lý công dân, thuế, bầu cử, dịch vụ ngân hàng…
Dubai là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có những tuyên bố mạnh mẽ sẽ ứng dụng công nghệ blockchain vào tất cả các lĩnh vực có thể, ở cấp chính phủ và sẽ sớm trở thành “Chính phủ blockchain”. Dự kiến đến năm 2020, tất cả hoạt động nộp đơn xin visa, thanh toán hóa đơn, gia hạn giấy phép…sẽ được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số, bằng khối chuỗi.
Tháng 4/2018, chính phủ các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) cũng công bố chiến lược có tên gọi Blockchain UAE 2021. Theo đó, 50% các giao dịch của chính phủ ở cấp liên bang sẽ được tiến hành sử dụng công nghệ chuỗi khối vào năm 2021.
Dubai tuyên bố sẽ trở thành “Chính phủ blockchain” đầu tiên trên thế giới.
Sheikh Mohammed Bin Rashid, Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE cho biết: ”Việc áp dụng công nghệ blockchain sẽ hỗ trợ chính phủ chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai và tiết kiệm được 11 tỷ AED (gần 3 tỷ đô la Mỹ) chi tiêu cho việc lưu thông tài liệu hàng năm”.
Tại Australia, chính phủ nước này mới đây cũng vừa cân nhắc việc đưa công nghệ chuỗi khối vào chuỗi cung ứng thương mại. Trong các nỗ lực triển khai, tháng 3/2018, Australia chính thức công bố tiền điện tử vào bán lẻ và đang thực hiện các quy định về cấp phép cho các giao dịch thương mại tiền điện tử. Tiêu biểu, sân bay Brisbane Airport tại Australia là sân bay đầu tiên trên thế giới hỗ trợ toàn bộ dịch vụ thanh toán bằng Bitcoin. Mới đây, Australia đã cấp 520.000 USD từ ngân sách liên bang cho Cơ quan Chuyển đổi Kỹ thuật số để nghiên cứu và phát triển các ứng dụng blockchain trong nước.
Tại Đông Nam Á, Singapore được coi là trung tâm blockchain, tiên phong thúc đẩy công nghệ chuỗi khối trên toàn khu vực. Dưới sự hỗ trợ của chính phủ, cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đang đẩy mạnh triển khai dự án Ubin Blockchain, liên kết các ngân hàng thương mại, tập đoàn tài chính công nghệ trong việc khảo sát ứng dụng chuỗi khối trong thanh toán, mục tiêu tạo ra đồng Dollar riêng của Singapore dựa trên Blockchain.
Phía bên kia địa cầu, đầu năm 2018, chính phủ Canada ra thông báo sẽ cùng với chính phủ Hà Lan thí điểm kế hoạch sửa đổi thủ tục xuất nhập cảnh ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Còn tại Brazil, kế hoạch đưa hệ thống bầu cử và đơn kiến nghị của đất nước lên mạng lưới Ethereum cũng đang được đề xuất. Chính phủ nước này cho biết họ muốn tận dụng mạng lưới blockchain này để xử lý hàng trăm triệu phiếu bầu một cách minh bạch nhất, với số lượng hơn 145 triệu cử tri trên cả nước.
Một số quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ blockchain trong bầu cử.
Tiếp đó, Estonia đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia mã hóa trên thế giới. Năm 2014, chính phủ nước này triển khai chương trình cư dân điện tử. Theo đó, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đăng ký trực tuyến để trở thành một công dân Estonia ảo, tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến. Estonia đã cho ra đời một hệ thống bầu cử trực tuyến cho các cuộc tổng tuyển cử, đồng thời triển khai một số dự án dịch vụ công cộng khác bằng công nghệ Blockchain như y tế, bước đầu lên kế hoạch cho đồng tiền kỹ thuật số cấp quốc gia.
”Blockchain đã sẵn sàng để ứng dụng vào chính phủ. Giờ là lúc các chính phủ sẵn sàng ứng dụng blockchain”, ông Cuomo, Phó chủ tịch IBM về blockchain nhận định.
Để xem các tin bài khác về khởi nghiệp, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Phạm Vân/ VnExpress)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.