Trong những năm vừa qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở Thái Nguyên đã có tiến triển tốt, một số khu vực ô nhiễm đã được xử lý, chất lượng môi trường ở một số khu vực được cải thiện. Song, nhìn chung ý thức chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp và người dân vẫn mang tính chất đối phó, tính chất vi phạm ngày càng phức tạp. Để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và chất thải rắn nói riêng cần phải có sự tham gia xử lý chất thải tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Thực trạng các vấn đề về chất thải rắn ở Thái Nguyên Về chất thải sinh hoạt: Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trong toàn tỉnh khoảng 404 tấn/ngày, đã thu gom khoảng 36%. Song, chỉ có thành phố Thái nguyên và thị xã Sông Công việc thu gom và xử lý rác thải được thực hiện theo quy trình. Ở thành phố Thái Nguyên giao cho Công ty Môi trường và Đô thị thực hiện, chôn lấp tại bãi rác Đá Mài; ở thị xã Sông Công giao cho ban quản lý đô thị của thị xã và xử lý tại nhà máy chế biến rác Sông Công.
Ở các huyện, rác thải đang được chôn lấp thủ công tại các bãi chôn lấp tạm thời, chưa có đơn vị chuyên trách đứng ra thu gom và xử lý. Hiện rác thải chủ yếu do các tổ vệ sinh tự quản thực hiện, được hình thành một cách tự phát, cả tỉnh có khoảng 12 đơn vị tự quản vệ sinh môi trường ở các huyện, tổ chức thu gom rác ở khu vực trung tâm thị trấn và một số thị tứ. Chính vì thế, tình trạng rác thải sinh hoạt đổ thải bừa bãi tại các chân cầu, suối, ven đường giao thông và các nơi công cộng ở các huyện còn khá phổ biến.
Còn về chất thải y tế, việc thu gom và xử lý hợp vệ sinh mới đạt 49%. Tình trạng rác thải chôn lấp thủ công ở các bệnh viện tuyến huyện vẫn là chủ yếu.
Về chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại: một phần chất thải công nghiệp đã được phân loại để tận thu, tái chế, xử lý, còn phần lớn vẫn được đổ thải trong các bãi thải của nhà máy, nhưng hầu hết các bãi thải không được xây dựng, quản lý đảm bảo vệ sinh đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước xung quanh khu vực, hoặc đổ thải bừa bãi hoặc được tận dụng để san lấp mặt bằng. Chất thải xây dựng chưa được thu gom và quản lý, một phần được tận dụng để san lấp mặt bằng, một phần đang đổ thải bừa bãi.
Còn chất thải công nghiệp nguy hại bước đầu đã được các chủ nguồn thải thu gom, phân loại và quản lý theo quy định, nhưng chưa triệt để, vẫn còn tình trạng đổ thải và bán chất thải nguy hại không theo quy định.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 – Đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 90% rác thải sinh hoạt đô thị của TP. Thái Nguyên; 70% rác thải sinh hoạt tại các khu vực nội thị, trung tâm các xã của thị xã Sông Công và các thị trấn, thị tứ các huyện được thu gom xử lý hợp vệ sinh. Phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải, tăng tỷ lệ rác thải được chế biến trong các dây chuyền công nghệ tái chế. Quy hoạch và tổ chức xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh ở cấp huyện đảm bảo theo quy định.
– Đối với chất thải rắn công nghiệp: quy hoạch và xây dựng các khu tái chế, xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp.
– Đối với chất thải y tế: 100% nước thải và rác thải y tế tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên được thu gom và xử lý hợp vệ sinh.
Những nhiệm vụ cần triển khai Để thực hiện đạt mục tiêu về xử lý chất thải rắn đến năm 2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp để những đơn vị này có điều kiện chủ động xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện. Cụ thể:
– Trong việc thực hiện dự án “Hỗ trợ quản lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế cấp huyện” sẽ lựa chọn huyện Phổ Yên để xây dựng và triển khai mô hình cấp huyện; lựa chọn một số xã, phường của thị xã Sông Công để xây dựng và triển khai mô hình cấp xã, trong đó có xã điểm xây dựng nông thôn mới. Triển khai nhân rộng các mô hình điểm ra các huyện và đến xã, thị trấn ở các huyện; TP. Thái Nguyên mở rộng địa bàn thu gom rác thải rắn đến các xã ngoại thành.
– Các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình, Định Hoá, Đại Từ khẩn trương hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Thành lập các tổ vệ sinh môi trường đến các xóm, xã, ưu tiên triển khai ở các xã, các điểm đông dân và các xã xây dựng nông thôn mới.
– Huyện Đồng Hỷ khẩn trương thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải và xây dựng nhà máy chế biến; mở rộng địa bàn thu gom rác thải đảm bảo công suất xử lý rác của nhà máy.
– Thu hút thêm các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên bố trí ở huyện Phổ Yên, TP. Thái Nguyên.
– Hỗ trợ kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho các huyện, thành phố, thị xã đáp ứng nhu cầu tổ chức thực hiện thu gom cho các xã, phường, thị trấn.
– Khuyến khích các cơ sở sản xuất tăng cường các biện pháp quản lý, công nghệ để thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, tự xử lý chất thải nguy hại. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại.
– Xây dựng và ban hành các quy định về đổ chất thải xây dựng. Xây dựng và ban hành quy định việc bố trí, sử dụng kinh phí để vận hành hệ thống xử lý chất thải ở các bệnh viện. Rà soát xác định nhu cầu đầu tư xây dựng lò đốt chất thải y tế ở các bệnh viện tuyến huyện để lập dự án và xây dựng lò đốt chất thải y tế nguy hại, như: Bệnh viện Định Hoá, Võ Nhai, Đại Từ, Sông Công…
(Nguồn: tapchicongthuong.vn)