Nhà máy đóng tàu Cochin, Ấn Độ đã nhận được hợp đồng đóng tàu container trung chuyển, không phát thải đầu tiên trên thế giới, cho một dự án của Samskip, một công ty danh tiếng – chuyên cung cấp dịch vụ logistics và vận chuyển, có trụ sở tại Hà Lan. Lần đầu tiên được công bố vào năm 2022, dự án SeaShuttle (1) phát triển các con tàu container chạy bằng khí hydro, được điều khiển từ xa và tự hành sẽ hoạt động trên tuyến đường biển từ cửa biển Oslo Fjord (phía Đông nam Na Uy) đến thành phố cảng Rotterdam (phía Tây nam Hà Lan).
(1) Dự án SeaShuttle: một dự án đóng hai tàu container chạy bằng khí hydro vào năm 2025, được điều khiển từ xa và tự động giao hàng, đã nhận được khoản tài trợ trị giá 13,2 triệu Euro từ doanh nghiệp nhà nước ENOVA của Na Uy.
Dự án phát triển bốn tàu trung chuyển container, tự hành chạy bằng khí hydro.
Đây là hợp đồng thứ hai đóng tàu tự hành của nhà máy đóng tàu Ấn Độ do chính phủ kiểm soát, là một nhiệm vụ quan trọng đối với nhà máy trên thị trường quốc tế. Năm 2022, nhà máy đóng tàu Cochin đã bàn giao hai sà lan tự hành cho công ty thương mại ASKO của Na Uy. Các sà lan được chế tạo để vận chuyển hàng hóa qua cửa biển Oslo Fjord, và là một trong những xà lan đầu tiên được chứng nhận “tàu vận chuyển tự hành hoàn toàn”.
Hợp đồng trị giá 66 triệu USD, đóng mới hai tàu container có trọng tải 500 TEU (tương đương 365 container, loại 45 feet, theo báo cáo của nhà máy đóng tàu). Tàu đầu tiên sẽ được giao trong 28 tháng và tàu thứ hai trong vòng 34 tháng.
Các tàu sẽ được trang bị động cơ hybrid với pin nhiên liệu hydro, với một hệ thống phát điện diesel dự phòng, để tàu có thể hoạt động trong thời gian dài. Năm 2022, khi lập hồ sơ kế hoạch cho dự án, công ty Samskip đã báo cáo rằng họ dự kiến mỗi tàu sẽ được cung cấp năng lượng bởi pin nhiên liệu hydro 3,2 MW. Các tàu sẽ có một hệ thống lưu trữ nhiên liệu hydro và được trang bị động cơ đẩy Azimuth, để có khả năng cơ động cao. Chúng sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu hydro xanh khi có sẵn, và chúng cũng sẽ được trang bị để sử dụng năng lượng trên bờ khi neo ở cảng. Theo nhà máy đóng tàu Cochin, ở chế độ không phát thải, mỗi tàu dự kiến sẽ đạt mức giảm 25.000 tấn khí CO2 mỗi năm.
Quỹ đổi mới ENOVA của Na Uy, hoạt động dưới sự quản lý của bộ Khí hậu và Môi trường Na uy, năm 2022 đã tài trợ 15 triệu USD cho dự án phát triển và thiết kế các tàu không phát thải ô nhiễm. Công ty chế tạo robot hàng hải Ocean Infinity (có trụ sở tại Texas, Mỹ) cũng là một đối tác trong dự án SeaShuttle để phát triển các công nghệ hỗ trợ. Các đối tác khác trong dự án từ năm 2019 gồm có: công ty HYON – giải pháp cung cấp nhiên liệu hydro và công ty Massterly – vận hành tàu tự hành (là liên doanh giữa công ty công nghệ hàng hải Kongsberg Maritime và tập đoàn hàng hải Wilhelmsen).
Chính phủ Ấn Độ đã ưu tiên để phát triển mở rộng ngành đóng tàu của họ. Năm 2022, nhà máy đóng tàu Cochin đã kỷ niệm 50 năm thành lập và được coi là nhà máy đóng tàu hàng đầu ở Ấn Độ. Gần đây, nhà máy cũng đã ký hợp đồng đóng hai tàu CSOV (2) (commissioning service vessels), sử dụng kết hợp pin Lithium-Ion dung lượng lớn và có khả năng vận hành bằng nhiên liệu Metanol. Công ty đầu tư hàng hải Pelagic Partners (cộng hòa Síp) đã đặt đơn hàng trị giá hơn 350 triệu USD để đóng mới sáu con tàu. Hai chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào quý 1 năm 2025.
(2) CSOV: Tàu vận hành dịch vụ chạy thử. Các con tàu CSOV rất khác nhau về cả kích thước và thiết kế, tùy thuộc vào việc vận hành cụ thể của chúng, nghĩa là chúng phải được chế tạo cho mục đích sử dụng riêng. Vì thuyền viên thường làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, nên họ cần định vị động tiên tiến. Họ cũng cần không gian chỗ ở đáng kể và lối đi đến nơi làm việc. Các tàu phải được số hóa hoàn toàn, kết nối và tự động hóa cao với công nghệ mới.
Để xem các tin bài khác về “Hàng hải & Đóng tàu”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Maritime-Executive)