Startup Naluri do cựu CEO AirAsia X thành lập là ứng dụng giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Osman-Rani từng là CEO của AirAsia X, một trong những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực. Ông cùng đội ngũ là những người đặt nền móng cho AirAsia X với chuyến bay đầu tiên cất cánh vào năm 2007. Cho tới nay, hãng hàng không này đã phát triển lên tới 26 phi hành đoàn, trên 2.500 nhân viên và mang lại doanh thu gần một tỷ USD vào năm 2014.
Mọi chuyện thay đổi vào thời điểm hàng không Malaysia trải qua cơn khủng hoảng lớn trong lịch sử, khi chuyến bay mang số hiệu 370 của Malaysia Airlines mất tích vào năm 2014.
”Toàn ngành hàng không trải qua một cú sốc nặng nề. Tôi muốn triển khai ngay các chiến dịch để vực dậy tình hình, nhưng ban lãnh đạo không chấp thuận. Đó là lý do tôi quyết định rời khỏi AirAsia”. Rani hồi tưởng.
Rani từng là CEO hãng hàng không AirAsia X.
Những ý tưởng sơ khai về một startup sức khỏe mang tên Naluri nhen nhóm cùng thời điểm Rani gặp vấn đề cá nhân.
”Cha tôi qua đời vì căn bệnh tiểu đường và ung thư. Ông xét nghiệm DNA và phát hiện mắc bệnh tiểu đường, nồng độ cholesterol cao, huyết áp cao kèm theo bệnh béo phì, luôn ở trong tình trạng có thể ra đi bất cứ lúc nào”. Rani cho biết.
Năm ngoái, theo báo cáo thống kê của Economist Intelligence Unit, Malaysia là nước có tỷ lệ người mắc chứng bệnh tiểu đường cao nhất trong khu vực Nam Á. Thống kê cũng chỉ ra rằng, số người mắc bệnh béo phì và tiểu đường chiếm tới gần một nửa dân số quốc gia này.
”Đó là một con số khủng khiếp. Nó thôi thúc tôi phải làm gì đó để thay đổi, khi bản thân đã mất người thân yêu, và chứng kiến thêm nhiều người nữa phải chống chọi với căn bệnh này”, Rani chia sẻ.
Thậm chí, chính ông cũng đã từng là một nạn nhân của bệnh béo phì. ”Tôi nhớ lại khoảng thời gian 12 năm về trước, khi mắc chứng bệnh này. Nhờ tác động tích cực của mọi người xung quanh, tôi đã chữa khỏi và thậm chí đã trở thành một vận động viên thể thao”.
CEO Rani cũng đã từng gặp các vấn đề về sức khỏe
Thoạt nhìn, Naluri giống một ứng dụng sức khỏe, hướng tới đối tượng người dùng muốn có những thay đổi lành mạnh trong nếp sống sinh hoạt. Nhưng Rani cho biết, hơn thế, bằng việc sử dụng khoa học máy tính (machine learning) và trí thông minh nhân tạo, Naluri còn mang lại những giải pháp ưu việt, giúp mọi người ngăn ngừa bệnh tật.
Rani cho biết: ”Các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta chỉ bắt đầu điều chỉnh nếp sống sinh hoạt khi vừa trải qua phẫu thuật hay điều trị. Đến 80% bệnh nhân không chịu thay đổi. Tỷ lệ này ngày càng cao, cứ như vậy, họ lại tiếp tục mắc bệnh”.
Đội ngũ của Rani bao gồm các bác sỹ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe cung cấp các khóa tư vấn online cũng như phương pháp rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần. ”Khi muốn mình khỏe mạnh hơn, bạn cần được tạo động lực từ những người tích cực hơn là luyện tập một mình”. Radi chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân và quá trình nghiên cứu.
Thành lập từ tháng 3/2017, Naluri vừa kêu gọi một số vốn đủ để startup đi đường dài trong vòng 12 tháng tới. Rani cũng cho biết, sản phẩm mới ở giai đoạn đầu nên ông chưa kỳ vọng quá nhiều vào doanh thu. ”Doanh thu tạm tính hiện chưa tính chi phí cho chuyên gia tâm lý. Ở thời điểm này, chúng tôi đang tập trung vào chất lượng sản phẩm đến từ chức năng và dịch vụ, đem lại kết quả tốt cho sức khỏe người dùng. Khi đó, doanh thu ắt sẽ tới”. Rani nói.
Startup cũng vừa hợp tác với công ty bảo hiểm AXA Affin và mong đợi sẽ phát triển mạng lưới đối tác gồm các công ty bảo hiểm, nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe.
Về chiến lược lâu dài, Rani cho biết Naluri sẽ thiết lập thị trường ổn định tại Malaysia đầu tiên, sau đó tới Nam Á. Trong đó, Singapore và Brunei dự tính là 2 thị trường tiềm năng khi không gặp quá nhiều rào cản về vấn đề nội địa hóa.
Tại châu Á, dù có nhiều giải pháp liên quan đến thể chất, sức khỏe tinh thần vẫn bị xem nhẹ. Naluri sẽ tập trung giải quyết vấn đề này.
”Hiện chỉ có 200 chuyên gia tâm lý tại Malaysia và có tới 13 triệu người cần giúp đỡ. Đó là cơ hội để Naluri nắm bắt thị trường”. Ông giải thích.
Hiện Naluri đang nỗ lực số hóa phương thức tiếp cận để các chuyên gia sức khỏe thuận tiện hơn khi điều trị bệnh nhân. Mục tiêu sắp tới của ứng dụng là tạo ra 10 cuộc hội thoại đồng thời cho mỗi chuyên gia. Tức là, thay vì gặp mặt trực tiếp 40 khách, họ có thể tiếp cận tới 400 người dùng thông qua ứng dụng.
Khi được hỏi điều gì khiến Rani rời bỏ một công việc ổn định và chuyển sang lĩnh vực thử thách mới, Naluri chia sẻ: ”Ý tưởng táo bạo nhất xuất hiện ngay khi bạn hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng để biến nó thành hiện thực, bạn không thể ngồi đó, dậm chân tại chỗ”.
Để xem các tin bài khác về khởi nghiệp, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Phạm Vân/ VnExpress, TechinAsia)