Đầu tư công nghệ tiên tiến: còn nhiều rào cản

Tháng Một 04 09:00 2014

Trong khi nhiều công nghệ tiên tiến sau khi được ứng dụng tại các doanh nghiệp (DN) công nghiệp Hà Nội đang có xu hướng nhân rộng và dịch chuyển mạnh ra các địa phương khác, thì việc tiếp thu và đầu tư CN tiên tiến vào sản xuất của các DN thủ đô lại đang gặp không ít khó khăn…

Con nhieu rao can_01Công ty Điện cơ Thống Nhất đã đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh

Hiệu quả đầu tư vẫn khiêm tốn
Trong hội thảo “Đổi mới đầu tư khoa học công nghệ để DN Hà Nội phát triển bền vững” ngày 19/12 tại Hà Nội, phó phòng quản lý CN sở Công thương Hà Nội Lưu Minh Đức chia sẻ: Theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô, do yêu cầu cao về quá trình đô thị hóa, bảo vệ môi trường… công nghiệp Hà Nội đang chịu nhiều áp lực phải dịch chuyển ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Các DN còn ở lại cũng phải cơ cấu lại sản phẩm và sản xuất cho phù hợp. So với các địa phương khác, Hà Nội không còn nhiều lợi thế về mặt bằng sản xuất với chi phí đầu tư thấp, về lực lượng lao động phổ thông. Các chi phí về tiền lương, vận tải, sinh hoạt… nói chung đều tăng nhanh hơn các địa phương khác. “Hà Nội hiện không còn lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác đối với các sản phẩm công nghiệp siêu trường, siêu trọng; các loại sản phẩm lắp ráp, sản phẩm phổ thông giá rẻ, hay các loại sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Do đó, áp lực và sự cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong các DN công nghiệp tại Hà Nội ngày càng lớn” – ông Đức nhấn mạnh.

Song, khi nhìn lại kết quả đầu tư khoa học công nghệ của các DN Hà Nội cho thấy, vai trò và hiệu quả của phần đầu tư “cứng” (tài sản cố định) cho khoa học công nghệ còn khá khiêm tốn. Đó là chưa kể hiện thành phố còn rất nhiều DN công nghiệp, đặc biệt các DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang sử dụng CN khá lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp, gây ô nhiễm môi trường…

Doanh nghiệp khó hưởng chính sách hỗ trợ
Từ thực tế điều hành DN sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô đang gặp nhiều khó khăn, tổng giám đốc công ty Ô tô Xuân Kiên Bùi Ngọc Huyên thẳng thắn nhận định: Trong khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được nhiều quốc gia khuyến khích để tăng hiệu quả, giá trị sản phẩm thì ở trong nước, cùng với việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chưa gặt hái nhiều thành công thì cũng có không ít DN đang ngập ngừng, thậm chí vừa làm vừa lo không biết ứng dụng CN cao sẽ mang lại hiệu quả hay đổ vỡ. Điều này trước hết do điều kiện đầu tư còn quá nhiều khó khăn. Thực tế ở Vinaxuki, dù thủ tướng chính phủ đã đề nghị ngân hàng Phát triển Việt Nam cho DN vay 250 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dài hạn để đầu tư sản xuất khuôn mẫu dập chi tiết thân vỏ xe, và văn phòng chính phủ đã bốn lần nhắc lại ý kiến của thủ tướng, song đến nay ngân hàng này vẫn chưa thực hiện cho DN vay vốn. Trong khi đó, ở một số quyết định của thủ tướng phê duyệt danh mục CN cao được ưu tiên đầu tư, lãi suất ưu đãi lại được giao cho các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm. “Cuối cùng, chỉ có DN chết bởi đã trót đầu tư bằng nguồn vốn tự có mà không được vay vốn dài hạn để đầu tư tiếp. Cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn, hiện sản xuất của công ty bị trì trệ, phải lấy lợi nhuận để trả đủ các loại vốn vay ngắn hạn” – ông Huyên bức xúc nói.

Tiến sĩ Lưu Hải Minh – phó chủ tịch hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn suy thoái, các DNNVV đứng trước nhiều khó khăn, việc lựa chọn hướng phát triển bằng khoa học công nghệ là rất cần thiết để phát triển bền vững trong tương lai. Trong lúc chờ hoàn thiện các chính sách, DN nên chủ động tiếp cận những CN tiên tiến trên thế giới nhằm làm chủ CN thông qua các hoạt động chuyển giao CN trong và ngoài nước, đầu tư góp vốn bằng CN, tái cấu trúc DN trên cơ sở ứng dụng CN mới…

“Một thực tế trên thế giới rằng, không có hỗ trợ của nhà nước thì sẽ không có đầu tư sản xuất, không có sản phẩm CN cao, hoặc có thì sản phẩm đó cũng chết yểu bởi không đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các DN sản xuất trong nước đều mong muốn, tới đây, chính phủ sẽ có nhiều thay đổi trong việc ban hành chính sách và điều hành sản xuất sản phẩm CN cao”. – ông Bùi Ngọc Huyên -tổng giám đốc công ty Ô tô Xuân Kiên.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: