Đầu tư khoa học công nghệ cho công nghiệp hóa dược chưa xứng tầm

Tháng Một 06 13:30 2015

Dù sở hữu cả “kho vàng” dược liệu nhưng ngành dược Việt Nam lại phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự đầu tư khoa học công nghệ (KHCN) cho công nghiệp sản xuất hóa dược còn quá nghèo nàn.

Ảnh minh họa

Hạn chế trăm bề
Theo tiến sĩ Phùng Hà, nguyên cục trưởng Cục Hóa chất – Bộ Công thương, sản xuất nguyên liệu hóa dược trong tình hình hiện nay có nhiều khó khăn do đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao, thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, việc đầu tư KHCN cho sản xuất nguyên liệu hóa dược lại quá nghèo nàn. Đó là chưa kể một số quy định còn chưa thông thoáng nên gây khá nhiều trở ngại cho việc triển khai kết quả nghiên cứu. Thí dụ: sau khi nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, sản phẩm hóa dược cần phải qua một giai đoạn quan trọng là thử nghiệm lâm sàng, các cơ quan nghiên cứu không có kinh phí để thực hiện công việc trên, trong khi đó doanh nghiệp dược chưa biết kết quả thử nghiệm lâm sàng cũng không thể bỏ kinh phí thực hiện việc thử nghiệm lâm sàng. Đáng nhấn mạnh, các cơ sở sản xuất dược của Việt Nam nói chung còn nhỏ về quy mô sản phẩm, về doanh thu nên không đủ tiềm lực dành cho công tác R-D (nghiên cứu triển khai).

Chính bởi chưa có sự đầu tư KHCN bài bản nên quy mô ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam còn nhỏ bé, nghèo nàn về chủng loại sản phẩm (trên 90% sản phẩm hóa dược nhập khẩu). Trong khi thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém.

Tiến sĩ Phùng Hà cho biết: Cần chủ động nhập, mua công nghệ cao, thiết bị hiện đại, tích cực nghiên cứu để tự chế tạo, nội địa hóa từng phần, tiến tới sản xuất toàn bộ dây chuyền thiết bị. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai và sản xuất thử nghiệm sản phẩm ở quy mô pilot. Đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược…

Phấn đấu làm chủ công nghệ
Tiến sĩ Phùng Hà cho biết, để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển ngành hóa dược, cần có sự phối hợp và chỉ đạo đồng bộ giữa Bộ Công thương, Bộ Y tế, các doanh nghiệp sản xuất hóa dược, doanh nghiệp dược và các cơ quan quản lý nhà nước khác ở trung ương và địa phương. Thời gian qua, Cục Hóa chất – Bộ Công thương được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác thúc đẩy triển khai chương trình hóa dược quốc gia nhằm xây dựng một ngành công nghiệp hóa dược có cơ cấu tương đối đồng bộ, đáp ứng từng bước hầu hết các nhu cầu cơ bản về nguyên liệu sản xuất thuốc, đặc biệt là nguyên liệu cho sản xuất thuốc thiết yếu; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ năm 2008 đến nay, chương trình hóa dược của Bộ Công thương đã triển khai 53 đề tài và 16 dự án với tổng kinh phí thực hiện khoảng 153 tỷ đồng. Trong số 22 nhiệm vụ đã nghiệm thu cấp nhà nước có 13 nhiệm vụ có hướng triển khai tốt, đã đưa sản phẩm ra thị trường; áp dụng từ đề tài đưa ra dự án sản xuất thử nghiệm; áp dụng vào thực tế. Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ: KHCN, Y tế xác định các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ của dự án. Về đào tạo: đến nay, chương trình đã có 12 ứng viên được cử đi đào tạo tại các nước có ngành công nghiệp hóa dược phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… Các đối tác đã và đang liên hệ: Nhật Bản, India, Ba Lan, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc…

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: