Để có phương án giá bán điện hợp lý, đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, đảm bảo an sinh xã hội… theo PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ (Hội đồng Khoa học Năng lượng – VEA), Việt Nam cần thúc đẩy thực hiện thị trường điện cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc ngành điện, tăng thành phần doanh nghiệp (DN) tư nhân và nước ngoài tham gia sản xuất – kinh doanh điện.
Giá bán điện hợp lý là sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất sử dụng điện, được xây dựng trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn.
Thực trạng giá điện Giá điện ở Việt Nam, từ năm 2009 đến nay đã điều chỉnh tăng tám lần, năm nào cũng tăng ít nhất một lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng hai lần; mức tăng mỗi lần là 5%, riêng ngày 1/3/2011 tăng 15,28% so với năm 2010. Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/3/2015 giá điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 1.622,05 đ/kWh, nếu kể cả thuế VAT là 1.7844,25 đ/kWh (tương đương 8,3 UScent/kWh).
Giá bán điện bình quân sau các lần điều chỉnh
Giá điện điều chỉnh tăng liên tục qua các năm gần đây, sau mỗi lần điều chỉnh chỉ có tăng, chưa hề giảm (cho dù có thời điểm chi phí đầu vào giảm đáng kể, như mùa nước của thủy điện, việc đưa vào vận hành nhà máy thuỷ điện Sơn La…). Lý giải của bộ công thương và tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là để bù đắp chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí, để thu hút đầu tư nước ngoài vào các công trình điện, để bù lỗ cho EVN, giá bán thấp hơn giá thành, không tăng giá điện thì EVN “phá sản” và giá điện Việt Nam thấp hơn giá điện bình quân của thế giới và khu vực.
Giá bán điện ban hành qua các kỳ điều chỉnh chưa thuyết phục, mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, không công khai minh bạch về giá thành, thiếu sự đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện. Hậu quả, các DN và người dân phải chi trả thêm một số tiền, gây nên áp lực trong sản xuất và đời sống.
Giá bán điện của Việt Nam cao hay thấp? So sánh với các nước trên thế giới, nước có thu nhập cao (Mỹ, Anh, Pháp,..) hay các nước thiếu tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện (Nhật bản, Hàn Quốc,..) để kết luận Việt Nam có giá điện thấp là khập khiễng. Trước tiên phải căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội, hoạt động của các DN, thu nhập người dân hiện tại và cấu trúc hệ thống điện, đặc biệt nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, thì ở Việt Nam giá bán điện bình quân (cả VAT): 1.7844,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent/kWh không phải là thấp.
Biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán (chưa đủ độ tin cậy), với mục đích bù lỗ mà không tính đến nguyên nhân và các biện pháp giảm chi phí, chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá hai thành phần: công suất và điện năng. Điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, việc giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống.
Việc điều chỉnh giá bán điện thực hiện theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của thủ tướng chính phủ, cho phép EVN điều chỉnh giá điện tăng hoặc giảm 5%, theo biến động của thông số đầu vào so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành, thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng. Điều chỉnh giá bán điện như trên chưa thích hợp với cơ chế thị trường và đặc điểm của sản phẩm điện. Giá điện khác hẳn với các sản phẩm khác như xăng dầu (chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới), giá điện không đòi hòi tần suất điều chỉnh ngắn như giá xăng dầu, giá điện cần sự ổn định nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vi mô và an sinh xã hội.
Quan điểm lập, điều chỉnh giá điện Về nguyên tắc, việc lập và điều chỉnh giá điện từ nay cho đến khi có được thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo ở Việt Nam, cần thiết thực hiện đúng điều 30. Căn cứ lập và điều chỉnh giá điện của luật điện lực, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Nội dung bao gồm: I. Chính sách năng lượng quốc gia, chính sách giá năng lượng nói chung và đặc biệt là chính sách giá điện II.Điều kiện phát triển KT-XH của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ III. Quan hệ cung cầu về điện giữa nguồn cung cấp và nhu cầu của các hộ tiêu thụ IV. Chi phí sản xuất kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực nhằm đảm bảo tài chính cho phát triển ngành điện V. Mức độ phát triển của thị trường điện lực
Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh và giá thành sản xuất điện toàn ngành cần được tính toán xác định đúng đắn, minh bạch theo các hạng mục quy định: giá thành bình quân của các nhà máy điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ, chênh lệch tỷ giá, và cần được kiểm toán trước khi ban hành giá.
Về giá điện, quan trọng nhất là giá bán lẻ bình quân và biểu giá bán lẻ cho các khách hàng trực tiếp dùng điện. Thị trường điện là nơi giao dịch giữa hai đối tượng chủ yếu: người cung cấp và người tiêu thụ trực tiếp thông qua giá cả. Người cung cấp đối với thị trường điện bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và quản lý; người tiêu thụ bao gồm các khách hàng trực tiếp dùng điện. Giá bán điện được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối và lợi nhuận hợp lý, với sự đồng thuận của người khách hàng. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của cấp độ thị trường điện lực.
Việc điều chỉnh giá bán điện phải được thực hiện công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Bộ công thương với vai trò chủ trì nên lập hội đồng thẩm định giá điện, bao gồm các nhà quản lý, nhà khoa học có đủ phẩm chất đạo đức và năng lục chuyên môn trong lĩnh vực giá điện làm tư vấn thẩm định cho chính phủ mỗi lần điều chỉnh giá điện.
Giải pháp cho giá bán điện hợp lý Để có phương án giá bán điện hợp lý, đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô và an sinh xã hội. Trong điều kiện hiện nay, đề nghị thực hiện ba giải pháp sau.
Thứ nhất, thúc đẩy thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Tính đến nay, trong đa số các ngành trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh, còn ngành điện vẫn ở thế độc quyền, đang vận hành theo mô hình liên kết dọc truyền thống. EVN hiện đang sở hữu phần lớn các nhà máy điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. Tổng công ty mua bán điện là đơn vị duy nhất, mua điện của tất cả các nhà máy điện (trong và ngoài EVN). Trung tâm điều độ quốc gia (Ao) thực hiện cả hai chức năng: vận hành thị trường điện và điều hành giao dịch thị trường điện, cũng thuộc EVN. Tóm lại, cho đến nay EVN vẫn là tổ chức duy nhất độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc và điều hành giao dịch thị trường phát điện cạnh tranh.
Thị trường điện đã triển khai thực hiện được trên 10 năm, theo đánh giá của EVN, số nhà máy điện tham gia thị trường đã tăng lên đáng kể, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học và quản lý, còn nhiều tồn tại như: cạnh tranh vẫn còn là hình thức, thiếu minh bạch, chưa tạo động lực để các nhà máy nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm giá thành điện năng, tạo động lực giảm giá bán điện. Lộ trình để tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo đã được hơn nữa chặng đường, nhưng kết quả chưa rõ ràng, nếu không có những giải pháp đột phá thực hiện thị trường điện cạnh tranh thì áp lực tăng giá điện vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng điện. Hiệu quả sản xuất là cơ sở để giảm giá thành và giá bán, ngành điện đặc biệt là EVN muốn nâng cao hiệu quả chỉ trên cơ sở giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành các nhà máy điên, lưới truyền tải và phân phối; giảm giá thành sản xuất điện năng.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất điện, đặc biệt nguồn thuỷ năng đã khai thác, xây dựng được các nhà máy thuỷ điện công suất lớn như: Sơn La, Hoà Bình, Yali, Trị An, Hàm Thuận – Đa Mi,…và đang xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu với giá thành sản xuất điện thấp so với các nhà máy nhiệt điện. Việt Nam có nguồn nhiên liệu than Quảng Ninh đã và đang cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than. Việt Nam cũng có các nguồn khí thiên nhiên ở Nam Côn Sơn, Lan Đỏ… phục vụ cho tổ hợp điện Phú Mỹ, loại nhà máy điện chu trình hỗn hợp, rất kinh tế. Các nguồn tài nguyên trên khai thác tốt là cơ sở để giảm giá thành hệ thống, nâng cao hiệu quả Sản xuất kinh doanh ngành điện. Một thực tế, trong những năm gần đây, Sản xuất kinh doanh ngành điện đặc biệt là EVN kém hiệu quả, chi phí đầu tư lớn, giá thành cao dẫn đến lỗ nhiều (như báo cáo của lãnh đạo EVN); và cũng là một trong những lý do đề xuất tăng giá điện.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đối với EVN, nên tập trung vào các giải pháp sau: Nâng cao hiệu quả đầu tư, trên cơ sở giảm chi phí đầu tư các công trình nguồn và lưới điện. Trong vận hành, giảm suất tiêu hao nhiên liệu cho sản xuất một kWh. Đối với lưới điện truyền tải và phân phôi, giảm tổn thất công suất và điện năng. Nâng cao năng suất lao động trong toàn ngành trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, giảm hệ số biên chế.
Về phía sử dụng điện, nói chung các DN và người dân sử dụng điện còn kém hiệu quả, lãng phí. Nhiều DN với công nghệ lạc hậu chưa thật chú ý đến cải tiến kỹ thuật; suất tiêu hao điện năng cho một đơn vị sản phẩm cao; chưa chú ý đến san bằng đồ thị phụ tải điện để góp phần giảm giá thành sản xuất điện. Tóm lại, nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng điện thực hiện tốt sẽ góp phần giảm giá thành điện, tạo lập giá bán điện hợp lý.
Thứ ba, cổ phần hoá DNNN thuộc ngành điện, tăng thành phần DN tư nhân và nước ngoài tham gia sản xuất kinh doanh điện. Cổ phần hoá được định nghĩa là chuyển đổi DNNN thành các công ty cổ phần. Năm 1993 ngành điện bắt đầu thực hiện thí điểm cổ phần hóa (CPH), hơn 20 năm qua công việc này được nhìn nhận là khó khăn và “nhạy cảm”, đặc biệt đối với các DNNN thuộc ngành điện. Chính vì vậy, số công ty cổ phần trong EVN còn rất hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thị trường điện và hiệu quả Sản xuất kinh doanh.
Việc CPH các DNNN nói chung và các DN thuộc ngành điện là tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các DNNN điện cần xây dựng lộ trình CPH và giải pháp mang tính đột phá để đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ trong hai năm 2014- 2015.
Hiện nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đang tập trung vào các ngành sản xuất khác còn số dự án FDI trong lĩnh vực điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số FDI ở Việt Nam.
Theo đánh giá, cho dù cơ hội đầu tư vào ngành điện Việt Nam là rất lớn, nhưng do một số chính sách chưa phù hợp cùng với việc thiếu các quy định về quản lý nên đã dẫn tới việc thu hút vốn vào ngành điện vẫn thấp hơn các ngành khác. Do vậy, nhà nước và ngành điện cần có chính sách và tạo môi trường thuận lợi, nhằm tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các dự án điện.
Mỗi khi có nhiều DN tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào thị trường điện cạnh tranh sẽ là nhân tố quan trọng giảm giá thành và góp phần xây dựng giá bán điện hợp lý.
(Nguồn: nangluongvietnam.vn)