Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh có lượng gió trung bình lớn nhất nước. Tuy nhiên, khả năng thu hút đầu tư điện gió của 2 địa phương này vẫn còn rất thấp
Nguyên nhân chính dẫn đến sự “chông chênh” nêu trên là do giá bán điện thấp, trong khi vốn đầu tư cho các dự án điện gió là rất lớn
Nhà máy Điện gió Phú Lạc sắp hoạt động, hòa lưới điện quốc gia Ảnh: MINH HẢI
Ngày 25-11 tới, tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Nhà máy Điện gió Phú Lạc sẽ khánh thành, hòa lưới điện quốc gia. Nhà máy có công suất 24 MW, tổng vốn đầu tư 1.100 tỉ đồng. Đây là nhà máy điện gió thứ ba của tỉnh Bình Thuận, sau Phong Điện 1 và Phú Quý đã hoạt động.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, dù Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống nhà máy điện gió ở đây với tổng công suất lên đến 700 MW vào năm 2020 nhưng sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, mới có 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tổng số 16 dự án đăng ký.
Ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình (chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Phú Lạc) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cho biết vài năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đến Bình Thuận để khảo sát tiềm năng và đăng ký dự án điện gió. Thế nhưng, khi triển khai thì hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, thậm chí dừng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Đơn cử, dự án Nhà máy Điện gió Thuận Nhiên Phong do Công ty CP Tái tạo năng lượng châu Á làm chủ đầu tư, công suất 60 MW tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình được khởi công từ năm 2011 nhưng phải tạm dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu vốn là nguyên nhân chính.
Theo ông Thịnh, khi đầu tư dự án điện gió, vấn đề khiến doanh nghiệp lo nhất là giá bán điện hiện rất thấp, khó thu hồi vốn. Với những dự án có vốn đầu tư lớn, phải vay ngân hàng thì doanh nghiệp cầm chắc lỗ lã.
Để khuyến khích, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án điện gió hòa lưới điện quốc gia với giá mua khoảng 7,8 USCent/KWh kèm theo một số ưu đãi về thuế và phí. Tuy nhiên, hiện mức giá này không còn phù hợp. Theo nhiều nhà đầu tư, giá mua điện gió phải ở mức 12 USCent/KWh, doanh nghiệp mới có thể duy trì hoạt động. “Nếu giữ giá mua điện như hiện nay, nhà đầu tư sẽ không còn mặn mòi với dự án điện gió” – ông Thịnh nhận xét.
Trong khi đó, tại Ninh Thuận, khoảng 5 năm trở lại đây đã có 6 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, đầu tư nhà máy điện gió nhưng không triển khai dù địa phương có nhiều chính sách ưu đãi. Trong hai năm 2014 và 2015, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải thu hồi 2 dự án nhà máy điện gió (công suất 50 MW/nhà máy) tại huyện Ninh Phước với vốn đầu tư lên đến trên 1.200 tỉ đồng/dự án do chủ đầu tư không triển khai.
Khai thác chưa đáng kể
Theo kết quả đánh giá của Chương trình Năng lượng châu Á do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, ước tính tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 m) có thể phát 513.360 MW điện, lớn hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác bao nhiêu.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Lê Trường, Minh Hải/ Cafef, Người lao động)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.