Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tổng tiềm năng điện gió lên đến 513.360MW (bằng hơn 200 lần công suất thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020).
Những thành công ban đầu của điện gió Việt Nam gần đây đã đánh dấu sự khởi sắc của điện tái tạo, hứa hẹn đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng trong dài hạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc phát triển điện gió hiện nay vẫn đang dừng ở hai chữ “tiềm năng”.
Vướng mắc cơ bản nhất khiến Việt Nam chưa thể tiến mạnh trong lĩnh vực điện gió chính là bài toán vốn đầu tư. Trung bình mỗi móng tuabin phải chi phí 0,25-0,6 triệu USD, ngoài ra còn hệ thống truyền tải, trạm biến áp và các hệ thống đồng bộ khác kèm theo nếu nơi đó chưa có lưới truyền tải. Bên cạnh đó là các chi tiêu cho hoạt động dịch vụ (hậu mãi, bảo hành, chăm sóc khách hàng), tiền nhân công lao động…
Thông thường các dự án điện gió trên thế giới đều được các Quỹ bảo vệ môi trường thế giới quan tâm, thông qua các cơ quan chức năng đánh giá tính khả thi, tác động môi trường và xã hội, được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Còn ở Việt Nam, các nhà đầu tư rất khó tiếp cận nguồn vốn này.
Thứ hai là vướng mắc về giá. Hiện Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, EVN phải mua toàn bộ điện từ các Dự án điện gió với giá 7,8 cent/kWh (nhà nước hỗ trợ cho bên mua 1 cent/kWh) và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND/USD.
Các nhà đầu tư cũng sẽ được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí cũng như hạ tầng đất đai. Theo ông Lê Tuấn Phong- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương)- đây là mức giá trung bình so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chọn thiết bị đắt, nơi ít gió để làm thì sẽ lỗ.
Về vấn đề này, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý (Cà Mau) – cho rằng, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được chính thức khởi công xây dựng năm 2010 trên diện tích 500 ha, có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD với 62 tuabin gió, công suất thiết kế 99 MW, tương đương với sản lượng điện khoảng 400 triệu kWh/năm. Đặc điểm của nhà máy điện gió của Bạc Liêu là sử dụng các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới với giá nhập khẩu tương đối cao.
Vì vậy, giá thành sản xuất điện gió lên tới 10 – 12 cent/kWh nên dù Chính phủ đã quy định EVN phải mua điện gió với giá 7,8 cent/kWh thì các chủ đầu tư vẫn bị lỗ. Đó cũng là ý kiến chung của các nhà đầu tư khi cho rằng giá điện gió hiện nay chưa đủ bù chi phí.
Thứ ba là sự yếu kém về công nghệ khiến các chủ đầu tư rất lúng túng trong vấn đề quản lý, vận hành hệ thống điện gió. Việc tiếp thu kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án điện tái tạo từ các quốc gia đi trước là điều rất quan trọng nhưng ở Việt Nam vẫn còn là thách thức rất lớn.
Theo Quy hoạch Điện 7, tổng công suất nguồn điện gió sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần phải có những giải pháp đột phá về công nghệ. Ông Huỳnh Kim Tước- Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM- cho rằng, các nhà đầu tư điện gió cần lựa chọn sử dụng công nghệ có hiệu suất cao. Bởi vì, suất đầu tư có thể cao hơn so với công nghệ có hiệu suất thấp nhưng ngược lại lượng điện tạo ra có thể nhiều gấp đôi mà số tiền đầu tư không cao gấp đôi.
Điều quan trọng là phải tỉnh táo, chủ động lựa chọn công nghệ (không lệ thuộc vào nhà tài trợ vốn). Hiện nay có doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất được trụ điện gió, nhưng tuabin, cánh quạt và các thiết bị quan trọng khác vẫn phải mua từ nước ngoài. Vì kỹ thuật khá phức tạp nên các dự án điện gió cơ bản vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài, từ giám sát, thiết kế đến thi công…
Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp hợp lý hiện nay là áp dụng mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong đầu tư điện gió. Theo đó, nhà nước đảm bảo chính sách, quản lý và môi trường đầu tư, nhà đầu tư đảm bảo về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Muốn thế, nhà nước phải có những chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư cũng như bảo đảm đầu ra cho giá điện tái tạo để nhà đầu tư có lợi nhuận.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn điện tái tạo giá rẻ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất và sử dụng máy phát điện gió cỡ nhỏ phục vụ gia đình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Ngọc Loan/ Cafef, Báo Công Thương)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.