Quá trình triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam còn rất chậm do nhiều vướng mắc làm cản trở quá trình đầu tư.
Quy hoạch điện VII Điều chỉnh đặt ra mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW (năm 2016) lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Giá điện gió chưa đủ hấp dẫn
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các cơ chế này giúp tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 7 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào sử dụng.
“Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đã phát triển và tận dụng thành công những lợi ích từ điện gió đem lại. Gần đây nhất, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ đối với lĩnh vực này và thu được những kết quả ngoài mong đợi”, ông Thành lấy ví dụ.
Phân tích sâu hơn từ những nguyên nhân khiến điện gió phát triển chậm trễ, ông Thành cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản trong phát triển nguồn năng lượng này. Cụ thể là những khó khăn về sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng…
“Hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới”, ông Thành cho hay.
Nguồn lực chờ chính sách
Theo chuyên gia tư vấn về năng lượng gió của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) Nguyễn Thế Mịch, Việt Nam hiện có khoảng 60-70 dự án điện gió với tổng công suất đầu tư lên tới khoảng 700 MW, song điều đáng lưu ý là số dự án đang triển khai thực tế còn khá hạn chế. Có dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, có dự án đã bắt đầu những bước tiếp theo nhưng còn cầm chừng, chờ những chính sách phù hợp…
Chuyên gia Nguyễn Thế Mịch cho rằng, để thực sự phát triển điện gió, mấu chốt là Nhà nước phải đưa ra được chính sách động viên được các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Khi có giá phù hợp, khả năng đầu tư vào điện gió sẽ bùng nổ.
Nhận xét về tiến trình phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) bày tỏ, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. “Nếu GWEC có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế”, ông Steve Sawyer khuyến cáo.
Theo các chuyên gia năng lượng, việc phát triển các nguồn năng lượng mới, nhất là các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo như năng lượng gió phụ thuộc rất nhiều vào những phát triển của công nghệ, cũng như mức giá của các nguồn năng lượng đó. Đây cũng là một trong những trở ngại không nhỏ trong việc phát triển điện gió ở Việt Nam.
Có thể thấy rõ điều này khi thời gian qua, để đầu tư phát triển điện gió, toàn bộ công nghệ Việt Nam vẫn phải mua của nước ngoài với giá thành rất cao so với hai loại năng lượng truyền thống là thủy điện, nhiệt điện. Trong khi đó, tình hình thời tiết tại Việt Nam khá phức tạp, nhiều vùng biển hay xuất hiện bão khiến các thiết bị phát điện gió rất dễ bị hỏng, trục trặc trong quá trình hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng, để giảm tính bất trắc và tăng niềm tin của thị trường cũng như nhà đầu tư trong triển khai các dự án điện gió, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió, được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận; quy trình phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể…/.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Nguyễn Quỳnh/ Cafef, VOV)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.