Điện hạt nhân: Nâng cao tiềm lực Việt Nam

Tháng Hai 03 12:45 2016

Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thách thức lớn, nhưng với sự vào cuộc nhịp nhàng, quyết tâm cao của chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cũng như sự đồng thuận của người dân, quan tâm sự ủng hộ tích cực từ quốc tế… hy vọng rằng hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao tiềm lực quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

Sự cần thiết và tính ưu việt của điện hạt nhân
Với tốc độ tăng trưởng điện năng hiện nay, có thể nói trong vài thập niên nữa khả năng cung cấp các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống trong nước sẽ ngày càng hạn chế: thủy điện đã khai thác đến giới hạn tối đa, than và dầu khí thì cạn kiệt dần. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh khối khả năng khai thác với quy mô lớn không đơn giản, không thể là nền tảng cho ngành năng lượng quốc gia được. Còn việc nhập khẩu nhiên liệu như than, khí hóa lỏng (LNG), nhập khẩu điện từ các nước láng giềng cũng chỉ có thể ở mức độ nhất định.

Dien-hat-nhan-01

Vì vậy, để góp phần đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia, cần hướng tới chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp trong đó phát triển điện hạt nhân có thể coi là chương trình có tiềm năng và tầm quan trọng hàng đầu do những ưu điểm vượt trội so với những nguồn điện khác như sau:

– Các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng với quy mô lớn tới hàng nghìn megawat, có khả năng vận hành với công suất thiết kế liên tục nhiều giờ trong năm (hằng năm, mỗi lò phản ứng điện hạt nhân chỉ phải ngừng hoạt động khoảng 1 – 1,5 tháng để thay các thanh nhiên liệu kết hợp duy tu bảo dưỡng) với độ tin cậy và an toàn cao, cung cấp sản lượng điện lớn nhiều tỷ kilowat giờ cho phát triển kinh tế – xã hội.

– Điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, trong quá trình vận hành không phát ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt không phát thải khí oxit carbon gây hiệu ứng nhà kính (như các nguồn nhiệt điện than) tác động xấu đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

– Nhà máy điện hạt nhân tuy đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng do vòng đời hoạt động dài (tới 60 năm so với thủy điện 40 năm, nhiệt điện than 30 năm, tua bin khí chu trình hỗn hợp 25 – 30 năm) và chi phí nhiên liệu thấp nên giá thành sản xuất điện bình quân cả đời dự án điện hạt nhân khá hấp dẫn, có thể cạnh tranh được với các loại nguồn điện khác.

Những khó khăn, thách thức trong phát triển điện hạt nhân
– Do công nghệ điện hạt nhân rất phức tạp, yêu cầu về an toàn phóng xạ lại đòi hỏi rất cao nên suất đầu tư điện hạt nhân rất cao, gấp ba lần nhiệt điện than và bốn lần tua bin khí hỗn hợp. Vì vậy, yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân là rất cao, hơn nữa vốn này chủ yếu là ngoại tệ do tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Đó là một trở ngại khá lớn cho việc thu xếp vốn khi triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

– Vấn đề an toàn hạt nhân luôn được xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt sau các sự cố nghiêm trọng tại Chernobyl (Ukraine) và Fukusima (Nhật Bản). Mặc dù nguyên nhân chủ yếu của hai sự cố này không phải xuất phát từ công nghệ lò phản ứng hạt nhân mà là nguyên nhân chủ quan tại Chernobyl (do kỹ sư trực nhật không tuân thủ quy trình vận hành) và nguyên nhân khách quan tại Fukusima (do thiên tai kép động đất và sóng thần), việc lựa chọn công nghệ lò phản ứng và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân luôn phải đặt lên vị trí hàng đầu.

Đối với các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, lò phản ứng được chọn dựa trên công nghệ an toàn cao do nhiều yếu tố cấu thành với yếu tố chính là cơ chế tự bảo vệ của lò phản ứng, những rào cản an toàn và các kênh an ninh lặp cùng với các hệ thống an toàn chủ động và thụ động, trong đó hệ thống thụ động có tính ưu việt vượt trội, có thể hoạt động độc lập, không cần nguồn điện tự dùng dự phòng, cũng như sự can thiệp của con người. Với hệ thống an toàn này thì sự cố nhà máy điện hạt nhân sẽ không xảy ra ngay cả trong trường hợp thiên tai kép động đất và sóng thần.

– Việc đào tạo đội ngũ quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân khi đi vào hoạt động cũng là thách thức không nhỏ. Để quản lý vận hành nhà máy điện hạt nhân với công nghệ hiện đại, phức tạp và mức độ tự động hóa cao cần đào tạo một đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tính kỷ luật cao và thấm nhuần sâu sắc văn hóa công nghiệp.

– Việc chôn cất vĩnh viễn bã thải hạt nhân sau khi kết thúc vòng đời của dự án cũng là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, có thể nói đây là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Chính các nước phát triển có nhiều nhà máy điện hạt nhân như Mỹ, Pháp, Nhật, Nga cũng chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Hy vọng trong thời gian không xa thế giới sẽ có được giải pháp khả thi cho vấn đề này.

Công tác chuẩn bị triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam
Về cơ sở pháp lý:

Chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam được thể hiện tại nhiều văn bản pháp lý, như nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1996) xác định chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000; Kết luận 55-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 27-9-2009 về định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030 và đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; nghị quyết 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội khóa VII thông qua.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng ủng hộ việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, vì đây là các dự án sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. IAEA đã giúp Việt Nam phản biện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Về công tác chuẩn bị triển khai các dự án:
Để triển công tác chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư cả hai dự án Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2, đồng thời cũng đã chấp nhận hợp tác (sử dụng công nghệ, thu xếp vốn) với Liên bang Nga để triển khai dự án Ninh Thuận 1 và Nhật Bản cho dự án Ninh Thuận 2.

Thời gian qua, công tác chuẩn bị đã được EVN triển khai khá tốt. Theo đó, EVN đã cử sinh viên đi các nước có điện hạt nhân phát triển như Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ… để học tập, tham quan, thực tập từ 4-5 năm trước; thành lập ban quản lý dự án điện hạt nhân để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, xử lý những công việc phát sinh do sự điều chỉnh quy hoạch các dự án; tổ chức xem xét đánh giá hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ các hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, khảo sát địa chất (đặc biệt về kiến tạo và đứt gãy) tại các khu vực địa điểm xây dựng công trình; triển khai dự án cấp điện phục vụ thi công dự án Ninh Thuận 1. Việc đàm phán thương thảo về tài chính cho các dự án điện hạt nhân Ninh thuận đang được tiến hành theo các thông lệ quốc tế đã được tất cả các bên thống nhất.

Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thách thức lớn, nhưng với sự vào cuộc nhịp nhàng, quyết tâm cao của chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cũng như sự đồng thuận của người dân, quan tâm sự ủng hộ tích cực từ quốc tế… tôi hy vọng rằng hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao tiềm lực quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

(Nguồn: nangluongvietnam.vn – Trần Viết Ngãi )

Bình luận hay chia sẻ thông tin