Câu chuyện đầu tư điện gió đang nóng lên vì tiềm năng thị trường và cả những co kéo về giá mua điện giữa Bộ Công Thương và chủ đầu tư.
Mức giá 11,5 xu Mỹ cho 1 kWh điện gió được Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép mua với dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu mới đây nếu được chấp thuận sẽ là một bước đột phá đáng kể trong lĩnh vực đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Khó nên đắt
Cho tới thời điểm hiện nay cả nước mới có 3 dự án điện gió đã đi vào hoạt động. Trong khi dự án Điện gió Bình Thuận có nối lưới điện quốc gia của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đặt trên đất liền, dự án Phong điện Phú Quý không nối lưới của Tổng công ty Điện lực Dầu khí đặt trên đảo Phú Quý (cách đất liền hơn 100 km) thì dự án điện gió Bạc Liêu đặt cách bờ 300 mét, chịu tác động của thủy triều lên xuống hàng ngày.
Vị trí của dự án Điện gió Bạc Liêu được xem là khó khăn trong đầu tư và triển khai xây lắp so với nằm trên đất liền. Bởi vậy, chủ đầu tư của dự án Điện gió Bạc Liêu dường như đã phải tốn kém hơn người trong quá trình xây dựng, như phải xây dựng móng trụ tuabin ngoài bãi bồi khiến chi phí lên tới 12 tỷ đồng/móng, so với 5 tỷ đồng/móng trong đất liền.
Để đấu nối các tuabin của dự án, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống cầu dẫn kèm hệ thống cáp với suất đầu tư lên tới 10 tỷ đồng/km, được xem là khá cao. Ngoài ra, do vị trí điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia xa nên chủ đầu tư cũng phải tự làm 18 km đường dây 110 kV, khiến cho suất đầu tư dự án cũng tăng thêm.
Dĩ nhiên theo lý giải của chủ đầu tư, việc sử dụng tuabin GE1.6xle xuất xứ Hoa Kỳ cũng khiến chi phí của dự án tăng thêm đáng kể. Theo tính toán của Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý, suất đầu tư của dự án hiện là 2.371 USD/kW.
Như vậy, với giá điện gió đang được mua theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg là 7,8 xu Mỹ (xu)/kWh, dự án chắc chắn không hiệu quả về mặt tài chính. Hiện dự án Điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 16 MW, có 7/10 turbin đã đi vào vận hành ổn định và 3 turbin đang chạy nghiệm thu.
Chủ đầu tư cũng đã mạnh dạn đề nghị giá mua điện cho 10 năm đầu của dự án là 12 xu Mỹ/kWh, có nghĩa sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách tới 4,4 xu/kWh. Còn 4 năm tiếp theo là 10 xu/kWh, với mức hỗ trợ từ ngân sách là 2,2 xu/kWh.
Mặc dù cho rằng, một số chi phí và thông số của dự án có cao so với quy định hiện nay, nhưng Bộ Công Thương cũng đã đồng ý mức giá bán điện của dự án điện gió Bạc Liêu là 11,5 xu/kWh cho 10 năm đầu tiên và còn 9,8 xu/kWh cho 4 năm tiếp theo.
Các năm sau đó là 6,8 xu/kWh hoặc theo quy định hiện hành tại thời điểm sau 14 năm đi vào vận hành thương mại (không bao gồm hỗ trợ từ ngân sách).
Muốn được công bằng
Tuy nhiên, mức giá mua điện gió 11,5 xu/kWh mà Bộ Công Thương đề nghị lại mới chỉ dành riêng cho dự án Điện gió Bạc Liêu. Trong những lý do được nêu ra để lý giải cho việc ủng hộ giá điện của dự án này yếu tố đầu tư điện gió trên biển khiến giá thành cao được không ít người nhắc tới.
Thừa nhận suất đầu tư của dự án điện gió phụ thuộc nhiều vào vị trí, địa hình đặt tuabin, một đại diện của REVN cũng cho hay, suất đầu tư của điện gió cao nhất là ở ngoài khơi, bởi cột gió có thể phải kéo dài thêm 30 mét so với cột trên đất liền để cắm xuống đáy biển. Với các cột gió ở ngoài khơi này, suất đầu tư khoảng 3.000 USD/kW.
Bắt đầu phát thử nghiệm từ tháng 9/2009, 5 cột gió đầu tiên của Công ty REVN tại Bình Thuận có suất đầu tư cỡ 2.300 USD/kW. Tuy nhiên, tới năm 2012, khi triển khai tiếp 15 cột gió còn lại của giai đoạn 1 thì suất đầu tư đã giảm xuống, còn 1.900 – 2.000 USD/kW, lãnh đạo REVN cho biết.
Sở dĩ giảm được suất đầu tư là bởi chủ đầu tư đã rút được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai của 5 cột gió đầu tiên ở các yếu tố thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến kỹ thuật, thiết kế liên quan. Cho tới giờ, giá mua điện của dự án vẫn ở mức theo quy định là 6,8 xu/kWh, do ngành điện trả.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, REVN cũng nhận được 42 tỷ đồng bù giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Còn hiện tại, nửa năm 2013 đã trôi qua nhưng REVN vẫn đang chờ để được nhận phần hỗ trợ của 6 tháng cuối năm 2011.
Dự án Phong điện Bình Thuận 1 của REVN cũng đã phát điện lên lưới được 150 triệu kWh kể từ khi đi vào vận hành tới nay. Với dự án Phong điện Phú Quý, giá bán điện cho ngành điện cũng áp đúng theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg với mức 7,8 xu/kWh.
Ông Phạm Cương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam cho hay, giá điện gió mà công ty bán cho ngành điện là 1.614 đồng, tương đương 7,8 xu/kWh, nhưng công ty ông đang phải mua lại điện để dùng với giá là 6.600 đồng/kWh.
“Suất đầu tư điện gió theo tính toán của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam tại dự án Phong điện Phú Quý lên tới 2.700 USD/kW nên dự án muốn có hiệu quả phải bán được với giá khoảng 12 xu/kWh. Bởi vậy, chúng tôi cũng rất trông chờ cơ chế giá điện gió mới, nhất là khi Phú Quý có ý nghĩa đặc biệt về an ninh chứ không thuần túy là sản xuất điện để kinh doanh như các dự án trong đất liền có nối lưới quốc gia”, ông Cương nói và cho biết, đang chờ xem dự án điện gió Bạc Liêu sẽ được mua điện với giá thế nào.
Nhanh chân sẽ lợi
Theo đánh giá của tư vấn quốc tế trong việc nghiên cứu, đánh giá về giá hỗ trợ phát triển điện gió và tác động giá điện hệ thống của Bộ Công Thương mới đây, giá điện gió ở mức 7,8 xu/kWh hiện nay là không hợp lý và không đủ để khuyến khích các dự án điện gió tại Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu 1.000 MW điện gió đến năm 2020 mà Tổng sơ đồ 7 đặt ra khó có thể thực hiện được.
Tính toán của Bộ và các chuyên gia tư vấn cũng cho thấy, giá điện gió để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch này phải từ 10,12 -12 xu/kWh. Lãnh đạo REVN cũng cho hay, theo tính toán, năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than để phát điện.
Nếu tính theo giá than nhập khẩu, giá điện chắc chắn phải 10 xu/kWh. Như vậy giá điện gió hiện nay vẫn chỉ có 7,8 xu/kWh dù đã có hỗ trợ, vẫn rẻ hơn điện “bẩn”. Đây là điều mà không nước nào trên thế giới làm khi muốn khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Đại diện REVN cũng cho hay, với mức giá bán điện gió hiện nay là 7,8 xu/kWh, cần phải mất 16 năm mới hoàn vốn đầu tư, trong khi nếu bán với mức 12 xu/kWh thì chỉ cần 10 năm. Không chờ tới khi mức giá điện gió được nâng lên, các nhà đầu tư điện gió hiện nay không chịu ngồi yên.
Dự án Điện gió Bạc Liêu trong giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 100 MW, thậm chí có thể là 400 MW. Không chịu kém cạnh, REVN cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm 60 cột gió tại khu vực đang có 20 cột gió hoạt động của dự án phong điện Bình Thuận 1. Nhà đầu tư này cũng có kế hoạch đầu tư hàng chục cột gió mới ở khu vực Cà Ná (Ninh Thuận) và Quảng Trị.
Với 2-3 năm cần để hoàn tất việc đầu tư các cột điện gió, nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm thu hoạch thành quả, nhất là khi câu chuyện thả giá điện theo thị trường đang được làm ráo riết. Bộ Công Thương cũng đề nghị cho ngành điện tính toán, chuyển giá mua điện gió vào giá bán điện chung toàn quốc.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Kiến Giang/ Cafef, Tạp chí Doanh nhân)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.