Doanh nghiệp cơ khí: Liên kết cùng phát triển

Tháng Mười Hai 10 07:45 2015

Nguồn lực yếu, nhưng lại khó tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ đang khiến ngành cơ khí mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà.

Doanh-nghiep-co-khi-Lien-ket-cung-phat-trienSản xuất cơ khí tại Công ty Imexco, thành phố Hồ Chí Minh

“Nút thắt” cơ chế
Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương, sản xuất kinh doanh của ngành cơ khí được đánh giá là năm sau cao hơn năm trước, nhưng hiện khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước, tính đến năm 2014 mới đạt trên 32%, thấp hơn mục tiêu của chiến lược đề ra là 40%-50%. Giá trị xuất khẩu ngành vượt chỉ tiêu, song giá trị nhập khẩu cũng lên hơn 26 tỷ USD, cao gấp hai lần giá trị xuất khẩu. Đáng chú ý, thời gian qua, có nhiều nhà máy cơ khí ở các địa phương trong cả nước đã phải tạm ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tồn kho sản phẩm tăng cao. chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ cho rằng, tình trạng thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp cơ khí gặp khó khăn trong thời gian qua. Hiện có tới 50% doanh nghiệp đang thiếu vốn. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp cơ khí chỉ đạt bình quân từ 3% – 5%/năm, nhưng ngân hàng đang cho vay với lãi suất lên tới trên 10% và thời gian trước tới 20% nên không doanh nghiệp nào dám vay do lo sợ làm ăn thua lỗ.

Trên thực tế, trong chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam đến năm 2020 và chương trình cơ khí trọng điểm, ngành cơ khí được ưu đãi vay vốn. Tuy nhiên, trong 10 năm qua cũng chỉ có chưa tới 10 dự án được vay vốn ưu đãi với mức lãi vay khá cao và thủ tục vay vốn khá khó khăn và phức tạp. Đơn cử, dự án đầu tư đúc khuôn cho sản xuất thân vỏ ô tô của Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) lên tới 1.000 tỷ đồng, mặc dù đã được thủ tướng chính phủ đồng ý cho vay 250 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ năm 2009 nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa được giải ngân. Các doanh nghiệp khác cũng cho biết, mặc dù thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí được ban hành liên tục, nhưng họ lại không tiếp cận được. Nguyên nhân là do các chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, đất đai đưa ra rất chung chung khiến doanh nghiệp khó có thể định lượng cụ thể để lập dự án và làm hồ sơ vay tiền. “Chúng tôi biết hiện nay các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về đầu tư, vốn vay, đất đai, thuế đã có đầy đủ, nhưng vấn đề quan trọng nhất là không thể tiếp cận được. Lý do vì thủ tục còn rườm rà, cứng nhắc khiến các doanh nghiệp nản lòng”, giám đốc Công ty Cơ khí Hoàng Sơn, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) phản ánh.

Chọn lọc sản phẩm chủ lực
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2020 đề ra mục tiêu cơ khí trong nước sẽ tự sản xuất được khoảng 100 – 125 tỷ USD tiền hàng. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay thì điều đó khó trở thành hiện thực. Ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, ngành cơ khí Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Hiện 80% thị trường cơ khí trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều dự án tổng thầu xây dựng nhà máy, công trình quốc gia, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đều thua các nhà thầu ngoại. Ngoài những khó khăn nêu trên, các hợp đồng về lĩnh vực cơ khí thường có giá trị thấp, lại cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng như: Vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của các tổng công ty chưa tương xứng với quy mô sản xuất kinh doanh… nên ảnh hưởng tới việc tham gia đấu thầu các công trình giá trị lớn.

Để giải bài toán nan giải trên, ông Nguyễn Văn Thụ cho biết, đang kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiệu quả, thiết thực. Trong đó, chọn lọc các ngành cơ khí phục vụ ô tô, đóng tàu, máy và thiết bị nông nghiệp với số lượng lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ việc sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với cam kết quốc tế. Thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp cơ khí nhà nước. Ngoài ra, các bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư trong nước, đầu tư theo hình thức BOT ở các dự án nhà máy nhiệt điện phải thực hiện tối đa việc giao các doanh nghiệp trong nước thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt điện…

Theo chuyên gia kinh tế Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, thời gian vừa qua, ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung đã có nhiều tiến bộ. Đơn cử, về điện tử đã có một số nhà cung cấp hay lĩnh vực xe máy, hiện nay trong nước đã sản xuất được 95%-98%, kể cả động cơ chủ yếu do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Điều này đã tạo ra thị trường lớn để xuất khẩu. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn vốn cũng như thị trường tiêu thụ, do vậy bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ thì mới có thể phát triển nhanh so với các nước. “Đối với các doanh nghiệp, nhất thiết phải liên kết được với các nhà sản xuất trong nước cung cấp sản phẩm hỗ trợ. Bởi khi sản xuất công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ giảm nhập linh kiện nước ngoài, từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh. Mặt khác, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng thể để phát triển từ thiết kế, sản xuất đến xây dựng thương hiệu nhằm đón đầu cạnh tranh hiệu quả trong xu thế hội nhập”, ông Trần Minh Ngọc đề xuất.

(Nguồn: vnexpress.net – Lạc Phong)

Bình luận hay chia sẻ thông tin