Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ khoa học và công nghệ tại 100 doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) chỉ khoảng 0,2 – 0,3% tổng doanh thu.
Khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN là nhập khẩu, 75% trong số đó đã hết khấu hao.
Đây là nguyên nhân chính gây lãng phí năng lượng của Việt Nam cao từ 1,5- 6 lần so với bình quân chung thế giới, hay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất linh kiện như tai nghe, cáp USB, vỏ nhựa, sạc pin… theo đặt hàng của các DN điện tử lớn trên thế giới.
Các DN chỉ dành 0,2 – 0,3% tổng doanh thu cho đầu tư đổi mới KHCN
Theo các chuyên gia, hầu hết các DN Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để đầu tư cho KHCN; việc đầu tư đổi mới công nghệ lại rất nhiều rủi ro vì chi phí lớn. Vì vậy, nhà nước cần miễn giảm thuế đối với các DN trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới và giai đoạn đầu của sản xuất sản phẩm đại trà; miễn giảm thuế thu nhập DN đối với sản phẩm được hình thành từ đổi mới công nghệ. Không nên chỉ ưu đãi thuế DN khi họ triển khai thành công, nếu thất bại thì DN phải gánh chịu.
Mặt khác, mặc dù hiện nay đã hình thành hệ thống các quỹ phát triển KHCN, quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm… giúp DN tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ nhưng hầu hết DN không được tiếp xúc với các quỹ này, không nắm được đầu mối, thủ tục phức tạp, khó chủ động khi sử dụng các quỹ. DN muốn tồn tại và phát triển phải lựa chọn được dòng sản phẩm thị trường có nhu cầu lớn. Đồng thời, nắm bắt, làm chủ công nghệ để tạo ra được sản phẩm với chất lượng và giá thành hợp lý.
Nhà nước cần hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung vào các viện nghiên cứu.
(Nguồn: baocongthuong.com.vn)