Tại cuộc họp về đề án đổi mới Cục Đường sắt Việt Nam, bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực quản lý, tạo hành lang pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển, dịch vụ đường sắt phải tốt hơn.
Vốn đầu tư cho đường sắt phải được quản lý chặt chẽ như các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ
Ông Nguyễn Hữu Thắng – cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trong hơn mười năm từ ngày thành lập đến nay, về cơ bản, cục đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được Bộ Giao thông Vận tải giao. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan, về chủ quan cục chưa thực sự chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, thể chế cho doanh nghiệp. Chưa kịp thời đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cục, dẫn đến công tác quản lý nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp còn chồng lấn, trì trệ, ảnh hưởng đến tiến trình đổi mới của ngành đường sắt.
“Đổi mới là yêu cầu bức thiết. Cả Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải cùng đổi mới. Đề án đổi mới cục đường sắt là cuộc cách mạng trong tổ chức và điều hành, đây cũng là giai đoạn thách thức đầy khó khăn. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, các cục, vụ chức năng và cả sự phối hợp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam” – cục trưởng Thắng nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Cục Đường sắt Việt Nam đã rất tích cực thực hiện đề án, chỉ trong một thời gian ngắn đã có dự thảo báo cáo ban đầu.
Tuy nhiên, thứ trưởng cũng cho biết việc xây dựng văn bản quản lý của cục chưa được chủ động. Đơn cử như luật đường sắt vận hành gần mười năm nhưng vẫn thiếu văn bản hướng dẫn. Tiêu chuẩn, quy chuẩn đường sắt còn lẫn lộn. Định mức lạc hậu, không ai tham mưu xây dựng, sửa đổi.
Thứ trưởng đề nghị công tác đổi mới phải xác định rõ chủ thể tài sản. Ai quản lý tài sản và hình thức quản lý ra sao? Tài sản nhà nước và doanh nghiệp phải phân định rõ. Đối với các dự án đường sắt cũ, thứ trưởng cho rằng vẫn để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ đầu tư, nhưng phải có sự quản lý giám sát chặt chẽ, có sự hậu kiểm sát sao, can thiệp sâu hơn của bên chủ quản. Các dự án mới sẽ giao Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhưng hiện tại cục đang còn yếu năng lực quản lý đầu tư xây dựng nên cần có lộ trình cụ thể.
Sớm tách bạch quản lý nhà nước và kinh doanh vận tải Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là doanh nghiệp vừa được giao thực hiện chức năng kinh doanh đường sắt vừa thực hiện một phần việc quản lý Nhà nước dẫn đến sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch trong sử dụng hạ tầng để kinh doanh vận tải đường sắt. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải mới là đại diện chủ sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng Giao thông Vận tải đường sắt. Do nhiều chủ thể quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng Giao thông Vận tải đường sắt như vậy nên dẫn đến chồng chéo, chưa đúng chức năng theo quy định.
Về vấn đề này, nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng cần tách bạch quản lý rõ ràng giữa vai trò quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện – chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, đề án đổi mới cần nêu rõ hơn thực trạng và đưa ra những giải pháp khắc phục. Đổi mới trước tiên là về thể chế; nâng cao năng lực quản lý giám sát của cục thông qua lực lượng thanh tra. Quản lý nhà nước mà không có thanh tra thì không được. Thực tế hiện nay, thanh tra đường sắt mới nặng về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành lang, mà chưa thực hiện được thanh tra chuyên ngành. Không được đổ lỗi cho lực lượng ít, khó khăn, cần tìm mọi cách khắc phục. Thời gian tới công tác thanh tra quản lý kết cấu hạ tầng cần phải thực hiện mạnh hơn.
Về mặt vận tải, ông Khuất Việt Hùng – vụ trưởng vụ vận tải cho biết, Cục Đường sắt Việt Nam cần có phương án triển khai hướng đổi mới tới đây là tách bạch giữa quản lý và kinh doanh, giám sát thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và doanh nghiệp vận tải cần có quy định, mẫu hợp đồng. Để làm được điều này, các phòng ban chức năng, nhân sự có cần thiết phải thay đổi thêm bớt hay không cũng cần rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu – chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, việc tách bạch quản lý nhà nước và kinh doanh vận tải đường sắt đã manh nha từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Lần này quyết liệt tách và đổi mới là rất hợp lý, cho dù muộn.
Đề án của Cục Đường sắt Việt Nam đã có những đánh giá cần thiết, sơ bộ, nhưng giải pháp lại đơn giản. Theo tôi quan trọng nhất là đột phá về con người, nêu cao vai trò của đảng bộ, bổ sung thêm đội ngũ cán bộ giỏi, nâng cao tư tưởng. Bên cạnh đó ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đề án phải gắn với đổi mới của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có lộ trình giải pháp và bước đi cụ thể để phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lưu nói.
Quản chặt vốn đầu tư cho đường sắt Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định đổi mới đường sắt là chủ trương lớn, có sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, nhân dân, tất yếu phải làm tổng thể, toàn diện và có lộ trình. Việc thực hiện đề án phải không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mà phải giúp kinh doanh thuận lợi hơn, tốt hơn.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Cục Đường sắt Việt Nam thay mặt Bộ quản lý Nhà nước về đường sắt, trong đó có Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Đề án không chỉ giải quyết bất cập giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lâu nay mà phải tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi những tồn tại, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đường sắt phát triển.
“Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường và nhiều chủ hàng khác nhắn tin cho tôi rất cần chở hàng đường sắt, nhưng không tiếp cận được đường sắt, rất khó khăn. Không hiểu sao người ta đến thuê mà không được, trong khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị kinh doanh. Rõ ràng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dành cho đầu tư hạ tầng nhiều quá, chưa đầu tư cho kinh doanh vận tải. Thuê toa xe rất khó khăn. Phản ánh có thể đúng, hoặc không nhưng rõ ràng có vấn đề thì người ta mới nói”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án. Bộ trưởng cũng lưu ý các cục, vụ chức năng của Bộ phải có trách nhiệm tham gia nghiêm túc đổi mới Đề án này. “Toàn bộ các hoạt động đường sắt thì các cục, vụ phải nắm được, chứ không phải chờ đến khi có đề án của Cục Đường sắt Việt Nam trình lên thì mới biết, mới tham gia góp ý. Đổi mới đầu tiên phải từ thể chế, chính sách, phải dựa vào căn cứ pháp luật” – bộ trưởng nhắc nhở.
Bộ trưởng cũng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông quyết liệt chỉ đạo đến ngày 15/5 phải hoàn thành đề án. Lâu nay đường sắt yếu không phải trách nhiệm của riêng cục, mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ và các cục, vụ liên quan. “Việc phải làm hiện giờ là phải đưa ra giải pháp đúng. Giải pháp mới là quan trọng, còn chê thì rất dễ” – ông nói.
Bộ trưởng đồng thuận ý kiến của chánh văn phòng Nguyễn Văn Lưu về đề xuất phải gắn đề án đổi mới Cục Đường sắt Việt Nam này với đề án đổi mới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là đối tượng quan trọng nhất. Trong giải pháp, quan trọng nhất chính là đổi mới con người, nâng cao năng lực. Lộ trình chuyển giao phải gắn với con người.
Nhà nước quản lý hạ tầng, vốn đầu tư cho đường sắt phải được quản lý chặt chẽ như các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ. Lấy ví dụ ở Hà Nam, Bộ trưởng cho biết đơn giản như việc gác đường ngang, Hà Nam chỉ chi một năm mấy trăm triệu, trong khi đó Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đòi 2,2 tỷ đồng. Rất lãng phí!
Về tách hạ tầng, bộ trưởng chỉ đạo, quản lý vốn đầu tư hạ tầng giao cho Cục Đường sắt Việt Nam. Thành lập ban quản lý dự án đường sắt, tất cả ban quản lý dự án đường sắt hiện nay xem xét bỏ hoặc chuyển. Tuy nhiên phải có lộ trình để Cục Đường sắt Việt Nam đủ sức, cùng với sửa luật và nghị định để triển khai dần. Một ban chỉ đạo thực hiện đề án do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ được thành lập. Cần thiết phải tổ chức họp báo về đề án, công khai rõ ràng tinh thần, lộ trình, nguyên nhân phải đổi mới…
(Nguồn: giaothognvantai.com.vn)