Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn – công trình trọng điểm quốc gia đã chính thức được khởi công vào ngày 23/10 sau hơn 5 năm chuẩn bị công tác đầu tư. Sự kiện quan trọng này đánh dấu những nỗ lực của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các bên liên doanh trong suốt một thời gian rất dài.
Ông Kazutoshi Shimmura, Tổng giám đốc công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, việc khởi công dự án sẽ tạo động lực để Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ Nhật Bản và Kuwait.
Vượt qua khó khăn, thử thách
Tính từ mốc ký hợp đồng liên doanh tháng 8/2008, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn với những sự kiện quan trọng phải kể tới như mốc ký kết hợp đồng liên doanh (tháng 4/2008), hoàn thành thiết kế tổng thể (tháng 1/2010), ký bảo lãnh và cam kết Chính phủ. Đặc biệt, công tác san lấp mặt bằng nhà máy và các thủ tục về tài chính triển khai hợp đồng EPC cũng được hoàn tất.
Nếu tính cả thời gian hai năm đàm phán trước đó, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải mất bảy năm để có thể đến được ngày khởi công. Có thể nói, thời gian chuẩn bị cho dự án là khá dài. Nhưng nếu nhìn cả chặng đường mà dự án đã trải qua, mới thấy đó là sự cần thiết bởi đây là dự án lớn, phức tạp nên các nhà đầu tư rất thận trọng trong từng công đoạn.
Cũng giống như nhiều dự án, công tác giải phóng mặt bằng nhà máy rất phức tạp. Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng diện tích thu đất là 1.067 ha, trong đó diện tích mặt bằng xây dựng nhà máy giai đoạn I là 358 ha và 350 ha quy hoạch cho mở rộng giai đoạn II, với 3.000 hộ dân của 4 xã Hải Yến, Tĩnh Hải, Mai Lâm và Xuân Lâm bị ảnh hưởng; trong đó khoảng 1.730 hộ phải di chuyển đến khu tái định cư. Như vậy, để khởi công xây dựng công trình thì công tác giải phóng mặt bằng được đánh giá là khó khăn nhất.
Xác định nhiệm vụ khó khăn như vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; ban hành chính sách hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, tạo điều kiện cho dự án sớm được khởi công.
Để chuẩn bị hạ tầng cho dự án, công tác san lấp mặt bằng cũng được đánh giá là rất quan trọng. Ban quản lý Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ ở khu vực trên cạn với diện tích 585 ha và khu vực dưới nước với diện tích 864 ha (bao gồm cả hành lang an toàn). Bên cạnh đó, ban quản lý Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành san lấp mặt bằng hoàn thiện nhà máy liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với khối lượng san lấp khoảng 5,6 triệu m3. Ngoài ra, khu nhà ở, dịch vụ cũng đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ cán bộ, kỹ sư, chuyên gia xây dựng dự án. Tính đến nay, tổng khối lượng nạo vét đạt 800.000/11 triệu m3 kế hoạch.
Theo ông Phùng Định Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, việc khởi công dự án là khởi đầu cho một chặng đường dài, nhiều khó khăn phía trước. Dự kiến sẽ có khoảng 3.000 lao động phổ thông; hàng trăm cán bộ, chuyên gia, kỹ sư cùng lượng lớn máy móc, thiết bị sẽ đổ về công trường; hàng triệu ngày công lao động sẽ được sử dụng và khoảng 500.000 tấn thiết bị sẽ được lắp đặt. Đây là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự sắc bén của mỗi cán bộ, công nhân, chuyên gia.
Như vậy tính cả thời gian thiết kế, mua sắm, xây dựng đến hoàn thành cơ khí dự kiến là 40 tháng, kể từ ngày bắt đầu triển khai hợp đồng và tám tháng chạy thử, nếu không có gì thay đổi, dự kiến năm 2017, liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu vận hành thương mại.
Sức lan tỏa sẽ rất lớn
Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án công nghiệp nặng, sử dụng công nghệ hiện đại và tổng mức đầu tư lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.
Khi dự án được khởi công, nơi đây sẽ trở thành một đại công trường với hàng vạn công nhân, chuyên gia tham gia xây dựng nhà máy, điều này sẽ kéo theo nhu cầu ăn, ở đi lại, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí và nhu cầu về hàng hóa dịch vụ sẽ tăng đột biến. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và nhân dân trong vùng tham gia cung cấp dịch vụ, qua đó nâng cao đời sống cho người dân.
Cùng với đó, dự án sẽ tạo ra cơ hội lớn để xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu như: sản xuất hóa chất, hạt nhựa, cơ khí chế tạo…
Theo đánh giá, dự án có vai trò quan trọng mang tính chiến lược của Chính phủ Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm lọc hóa dầu ngày càng gia tăng do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách nhanh chóng của quốc gia. Việc xây dựng và vận hành dự án sẽ là một bước tiến nhằm từng bước hướng tới việc tự cung, tự cấp các sản phẩm lọc dầu và đảm bảo các nguồn cung năng lượng.
Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động cùng với nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đáp ứng 70% nhu cầu xăng, dầu trong nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, đánh dấu sự phát triển của nền công nghiệp lọc hóa dầu ở Việt Nam.
Mặt khác, liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sau khi đưa vào vận hành thương mại sẽ đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm từ 14-17 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Trần Hòa, Trưởng ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, dự án còn hướng tới chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong việc quản lý, vận hành quá trình lọc dầu. Thông qua dự án, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thiết lập được cơ sở kinh doanh vững chắc tại Việt Nam và tăng cường các mối quan hệ ở Việt Nam .
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, qua dự án này, các nhà đầu tư Nhật Bản và Kuwait sẽ mở rộng thêm các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm kinh doanh về hóa dầu và bán lẻ các sản phẩm dầu mỏ; dự án sản xuất các sản phẩm Hydrocarbon thơm (benzene, paraxylene) và polypropylene để cung cấp cho một số nhà đầu tư và các bên bao tiêu khác hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hóa dầu. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và các vùng phụ cận; tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong giai đoạn xây dựng và hơn một ngàn lao động trong giai đoạn vận hành.
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Quốc gia, ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cùng với các dự án đầu tư lớn khác trong khu kinh tế Nghi Sơn có thể là một cực tăng trưởng quan trọng cho tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư lớn tạo cơ hội cho tỉnh được hưởng lợi cả từ sự phát triển của một hệ sinh thái các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp phụ trợ khác cũng như đem lại tiềm năng phát triển cho những ngành công nghiệp hạ nguồn liên quan đến các hoạt động lọc dầu.
(Nguồn: vietnamplus.vn)