Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là đô thị đặc biệt, trong đó, các tuyến tàu điện ngầm (metro) được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đây là những dự án đầu tiên của cả nước nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn từ vốn, trình độ kỹ thuật cho đến cả chính sách. Nhưng với sự nỗ lực của thành phố, cùng sự hỗ trợ của các bộ ngành và đơn vị tài trợ, các dự án đã được chính thức khởi công.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, kết nối với đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, xe buýt nhanh. Trong đó, các tuyến tàu điện ngầm (metro) đang được khẩn trương triển khai. Riêng tuyến metro số 2 phải điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng.
Một số căn nhà tại quận Thủ Đức cần giải tỏa bàn giao mặt bằng thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
Chờ ngày khởi công Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được khẩn trương thi công. Đối với tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương, ban quản lý đường sắt đô thị đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu rộng rãi. Dự kiến việc thi công đại trà sẽ thực hiện vào năm 2014. Depot (nhà ga và trạm bảo trì) tại quận 12 đã được khởi công từ tháng 8-2010, hiện chỉ mới xây dựng tường rào và nhà bảo vệ. Còn hạng mục chính là nhà ga và trạm bảo trì sẽ được thi công cùng với gói thầu đi ngầm (tức toàn tuyến).
Đối với hạng mục nhà ga ngầm và hai đường hầm, sẽ thi công bên dưới lòng đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Hồng Thái và Hàm Nghi nhằm giảm thiểu việc giải tỏa nhà dân. Ngoài ra, đoạn đường chuyển tiếp khoảng 1km đi trên cao nằm trên dải phân cách đường Trường Chinh nên cũng không phải giải tỏa mặt bằng.
Dự án tuyến metro số 2 được đầu tư với công nghệ tiên tiến, hiện đại có năng lực vận chuyển 40 ngàn hành khách/giờ với tổng chiều dài khoảng 20,6km, điểm đầu tại Thủ Thiêm và điểm cuối tại bến xe An Sương. Giai đoạn 1 từ chợ Bến Thành đến Tham Lương có chiều dài 11,3km đi qua 6 quận gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Giai đoạn 2 phát triển kéo dài hai đầu tuyến của giai đoạn 1, từ ga Bến Thành đi dưới lòng sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm và từ Tham Lương đến bến xe An Sương có thể kéo dài đến Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
Mặt cắt ngang ga Hòa Hưng
Sử dụng phương tiện metro an toàn, nhanh chóng có chi phí thấp, dự kiến giá vé thời điểm 2017 – 2019 là 6.000 đồng/hành khách; đi suốt tuyến 15.000 đồng/hành khách. Thời gian vận hành từ 5 giờ đến 23 giờ đêm, thời gian dừng tàu tại ga khoảng 25 – 30 giây. Thời gian đầu khai thác tàu chạy với tần suất khoảng 5 – 10 phút/ chuyến sau đó có thể xuống 2 phút/ chuyến.
Điều chỉnh phạm vi giải tỏa Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố đẩy nhanh tiến độ cũng như cam kết với các nhà tài trợ vào tháng 7-2013 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Ban quản lý đường sắt đô thị cùng đơn vị tư vấn lập dự án triển khai cắm ranh mốc giải phóng mặt bằng và giao các quận triển khai ngay công tác bồi thường, tái định cư trong năm 2011 và 2012. Tuy nhiên, sau khi thẩm định lại nhận thấy còn nhiều hạn chế của thiết kế cơ sở. Cụ thể, diện tích đất giải phóng mặt bằng tại các nhà ga không đủ khoảng trống để bố trí các hạng mục thi công trình, vì vậy cần phải điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng. Nhưng vì trước đây đã triển khai cắm mốc, đo đạc chi tiết, sau đó lại điều chỉnh một số phạm vi thu hồi đất khiến người dân bức xúc.
Trong quá trình nghiên cứu thiết kế, tư vấn đã hoàn chỉnh lại báo cáo khảo sát các công trình tiện ích và cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các nhà ga dọc tuyến, về phương án di dời các công trình liên quan. Vì thế, bắt buộc phải điều chỉnh một số hạng mục. Cụ thể, các tháp thông gió và lối lên xuống với kích thước khoảng 230 x 50m, có lúc tập trung 3.000 – 4.000 người, vì vậy cần phải có một tháp thông gió rất lớn. Để tiết kiệm hàng ngàn mét vuông đất, đơn vị tư vấn đã đề xuất tích hợp chung tháp thông gió với các lối lên xuống. Bố trí lối lên xuống của các nhà ga phù hợp với lộ giới quy hoạch của đường Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh.
Phối cảnh nhà ga metro
Tại vị trí nhà ga Tao Đàn, bề rộng đường hiện hữu chỉ có 16,6m, nếu bố trí lối lên xuống trên vỉa hè đường hiện hữu khi mở rộng đường 35m theo quy hoạch thì lối lên xuống nằm dưới lòng đường. Vì vậy, cần phải bố trí lối lên xuống nằm trên vỉa hè của đường. Việc này cũng nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và lối đi lại cho các hộ dân nằm trong dự án, vì lối lên xuống nằm trên vỉa hè, chiếm toàn bộ bề rộng vỉa hè nên không còn lối đi lại cho các nhà dân ở liền kề với lối lên xuống. Tuy nhiên, chưa có quy định khoảng cách này là bao nhiêu. Bộ phận tư vấn đã phải tham khảo kinh nghiệm của các nước và sau khi thảo luận với các sở ngành và đề xuất lấy khoảng cách 5m để làm chuẩn thiết kế, sau đó tùy từng ga cụ thể sẽ có những thay đổi phù hợp với hiện trạng thực tế.
Nhằm đảm bảo không gian để di dời các công trình tiện ích và hạ tầng kỹ thuật trong khu nhà ga, trên dọc đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh hiện hữu có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như thoát, cấp nước, điện, viễn thông…Trong khi đó, phương pháp thi công tại các nhà ga là đào hở, vì vậy cần phải di dời các hệ thống này ra khỏi khu vực thi công mới đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Về việc kết nối với các hệ thống vận tải hành khách khác cần khoảng không gian thích hợp cho các phương tiện đậu, đỗ như xe buýt, ô tô, xe máy, lối đi cho người khiếm thị…
Do đó, việc điều chỉnh dự án, mở rộng phạm vi giải tỏa là cần thiết. Điều này không chỉ mang lại sự thành công của dự án mà còn vì lợi ích chung của người dân.
(Nguồn: sggp.org.vn)