Các bạn đang xem “phần 3” của loạt bài “Dự án xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh”, để xem “phần 2” vui lòng nhấn vào đây.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã thông qua các kế hoạch về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng như chính sách hỗ trợ cho người dân. Cụ thể như hỗ trợ việc làm, tái định cư sau khi bị thu hồi đất. Phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), ban quản lý đường sắt đô thị và một số quận có tuyến tàu điện ngầm số 2 đi qua.
Ông Tất Thành Cang, giám đốc sở GTVT: Ưu tiên phát triển phương tiện có sức chuyên chở lớn Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đã quá tải. TPHCM hiện có hơn 5,5 triệu chiếc xe gắn máy và 600.000 ô tô. Riêng ô tô chiếm 1/3 lượng xe trên cả nước. Các phương tiện đi lại trên địa bàn gặp khó khăn do diện tích mặt đường chật hẹp. Do đó, phát triển giao thông công cộng để hạn chế giao thông cá nhân trên mặt đường là một trong những giải pháp hàng đầu. Để làm được điều này, cần ưu tiên phát triển các loại phương tiện có sức chuyên chở lớn như metro, xe buýt nhanh cũng như các loại phương tiện có sức chuyên chở lớn khác. Trong đề án phát triển GTVT đến năm 2020 và đến năm 2025 chính phủ đã phê duyệt đối với TPHCM, có bảy tuyến đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư. Trong đó, tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành – Tham Lương đang được triển khai. Trong quá trình thi công ảnh hưởng đến 30.000m² đất ở cũng như đất của các tổ chức đơn vị và đất công cộng khác. Như vậy, dự án liên quan đến nhiều quận trong vấn đề giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Để đảm bảo giao thông đô thị bền vững trong giai đoạn sắp tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố các giải pháp để làm sao giao thông công cộng có sức chở lớn nhanh chóng được đưa vào vận hành, cùng với đó là các chính sách khuyến khích người dân tham gia đi lại bằng các phương tiện này.
Thi công tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên
Ông Nguyễn Đô Lương, trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM: Bước đột phá trong việc phát triển hạ tầng giao thông Hiện nay, tàu điện ngầm được xem là phương tiện giao thông đáng tin cậy và an toàn ở các thành phố đông dân. Đây cũng là bước đột phá trong việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Có thể nói, việc đầu tư xây dựng metro rất mới đối với thành phố cũng như trong cả nước. Về luật pháp, hiện nay vẫn chưa có quy định đầy đủ, đặc biệt là việc sở hữu không gian ngầm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, ban quản lý đường sắt đô thị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, các sở – ngành của thành phố để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà khi triển khai thực hiện các dự án gặp phải. Trong dự án này, Cộng hòa Liên bang Đức sẽ cung cấp các đoàn tàu và thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ đạo của các bộ, ngành, UBND thành phố để có thể giải quyết hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện. Mong các cơ quan, người dân trong vùng dự án sớm bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Ông Trần Ngọc Hổ, chủ tịch UBND quận 12 TPHCM: Tạo không gian mảng xanh Đối với quận 12, công tác đền bù giải phóng mặt bằng tương đối ổn, tuy nhiên có hai vấn đề cần nêu rõ: Đường dẫn kết nối từ cầu Tham Lương vào nhà ga trước đây quy hoạch hướng tuyến ảnh hưởng tới khu tái định cư 10ha, sau đó quận kiến nghị thành phố đã thống nhất điều chỉnh hướng tuyến, hiện nay quận đang triển khai công tác đền bù. Khu 19 ha đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn 1 hộ, do định mức sử dụng đất diện tích sử dụng quá lớn nên quá trình xử lý còn nhiều vướng mắc. Hiện nay, quận 12 cùng Sở Tài nguyên – Môi trường đang tiến hành thẩm định, kiểm tra để báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố xử lý.
Ngoài ra, theo thông báo mới đây, quận cần phải tiếp tục giải phóng mặt bằng và thu hồi thêm 5ha nằm liền kề ngoài rìa (quy hoạch cây xanh) với khu nhà ga cũ để tạo không gian mảng xanh kết hợp với nhà ga tạo thành khu liên hoàn. Về chính sách đền bù, quận kiến nghị thành phố cần cân nhắc thêm vì phần này quy hoạch sau. Hiện nay, thành phố đang xem xét cơ chế đền bù, khi có quyết định quận tiến hành ngay.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, phó chủ tịch UBND quận 3 TPHCM: Tuyên truyền các hộ dân bị ảnh hưởng dọc tuyến metro Nhằm phát triển giao thông công cộng, theo quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn thành phố có sáu tuyến metro, riêng quận 3 có hai tuyến số 2 và số 3. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã triển khai cùng năm quận khác tập trung giải phóng mặt bằng để thực hiện nhanh tuyến metro số 2, cùng với việc di dời nhà dân tái định cư kết hợp với chỉnh trang đô thị nhằm ổn định cuộc sống người dân. Để thực hiện tuyến tàu điện ngầm này sẽ ảnh hưởng đến 71 công trình nhà dân, cơ quan, cơ sở tôn giáo, trường học… Trong đó, có công trình sẽ phải giải tỏa toàn bộ. Thời gian qua, quận đã phối hợp ban quản lý đường sắt đô thị thành phố tuyên truyền, giải thích cho các hộ dân bị ảnh hưởng trên dọc tuyến tàu điện ngầm đi qua. Quận cũng đã thông báo cho người dân, củng cố hồ sơ để tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Đức Trọng, phó chủ tịch UBND quận 10 TPHCM: Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Điều khó khăn đối với chúng tôi là trước đây quận đã tiến hành lập phương án và phát hồ sơ cho những hộ bị ảnh hưởng, vận động người dân kê khai diện tích đất nhà bị tàu điện ngầm ảnh hưởng để tiến hành công tác bồi thường. Chúng tôi cũng đã đo đạc, cắm mốc 1/500 chính xác ranh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do dự án tàu điện ngầm phát sinh nhiều vấn đề nên phải điều chỉnh, buộc UBND quận 10 phải ra quyết định hủy phương án đã triển khai, khiến người dân rất tâm tư. Tuy nhiên, dù rất khó khăn nhưng đây là chủ trương lớn của thành phố và vì lợi ích chung nên quận 10 tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Chính vì vậy, suốt thời gian qua, UBND quận 10 đã phối hợp với ban quản lý đường sắt đô thị thành phố tổ chức xin lỗi dân và giải thích vì sao phải điều chỉnh, chứng minh đây là phương án cuối cùng để người dân yên tâm.
(Nguồn: sggp.org.vn)