Theo quy luật “nước về chỗ trũng”, sự di dân từ khu vực nông thôn về các vùng đô thị ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ở các nước đang phát triển, xu thế này ngày càng trở nên mạnh mẽ trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và hơn 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21. Sự bùng nổ số lượng dân cư ở các vùng đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn dẫn đến nhiều vấn đề gây bức xúc, trong đó nổi bật là tình trạng giao thông ùn ứ, thậm chí ách tắc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, ở hầu hết các thành phố lớn, phát triển các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa, xe điện, tàu điện ngầm, monorail… luôn là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của chính quyền địa phương.
Đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Cách đây 10 năm, có dịp công tác tại Nhật Bản, một trong những điều gây ấn tượng mạnh mẽ đối với chúng tôi trên xứ sở hoa anh đào là hệ thống giao thông công cộng phát triển quy mô lớn và rất hiện đại.
Trong đó, nổi bật là hệ thống tàu siêu tốc Shinkansen nối liền các thành phố lớn; hệ thống xe buýt nối liền trung tâm thủ đô Tokyo với các thành phố vệ tinh và khu vực ngoại thành; hệ thống tàu lửa nối liền các điểm chính xung quanh thành phố… Nhưng nổi bật và độc đáo nhất có lẽ là hệ thống tàu điện ngầm, gồm nhiều tầng, với đầy đủ các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm nằm sâu dưới lòng đất hàng chục mét. Nhờ hệ thống giao thông công cộng hiện đại, được bố trí hợp lý như vậy nên mặc dù là một siêu đô thị với khoảng 13 triệu người dân địa phương và khách vãng lai vào thời điểm đó nhưng ít khi xảy ra tình trạng kẹt xe do quá tải.
Tàu siêu tốc shinkansen – Nhật Bản
Không chỉ ở Nhật Bản, các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều đầu tư thích đáng để phát triển các phương tiện vận tải công cộng nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, tăng cường năng lực lưu thông, góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.
Ở nước ta, hiện nay thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đi đầu trong việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt là tàu điện ngầm (metro). Tổng vốn đầu tư của các dự án lên đến hàng tỷ USD…
Việc quy hoạch, triển khai xây dựng các tuyến metro đối với một thành phố với hơn 300 năm hình thành và phát triển, dân cư đông đúc như TPHCM là điều không đơn giản. Trước hết về mặt pháp lý, đến nay các quy định pháp luật về xây dựng các công trình ngầm còn rất hạn chế nên không tránh khỏi sự lúng túng. Điều này cũng dễ hiểu vì từ trước đến nay chúng ta chưa từng triển khai các công trình dân sự ngầm quy mô lớn như vậy. Mặt khác, các tuyến metro sẽ có nhiều đoạn đi ngầm dưới mặt đất, xuyên qua nhiều nhà dân và các công trình công cộng nên việc đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân luôn được đặt lên hàng đầu.
Việc quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị cần được tính toán sao cho vừa chặt chẽ nhưng cũng phải “thoáng”, có tầm nhìn xa để không phải điều chỉnh nhiều lần, gây tốn kém ngân sách. Để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng hiện đại này, tại các nhà ga trên toàn tuyến phải bố trí các trung tâm mua sắm, giải trí, ăn uống… Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu của người dân, việc phát triển các dịch vụ này cũng sẽ tạo ra một nguồn lợi nhuận ổn định từ việc cho thuê mặt bằng, thu thuế… và đó được xem như nguồn bổ sung ngân sách, tạo quỹ duy tu, bảo dưỡng công trình.
Bên cạnh đó, cần phát triển các khu dân cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng tại những điểm lân cận các nhà ga. Đây là cách làm đã từng gặt hái nhiều thành công của các nhà quy hoạch Singapore. Với cách làm này, không chỉ nhà đầu tư bất động sản bán được sản phẩm mà lượng người tham gia phương tiện giao thông này cũng tăng nhanh.
Các dự án đường sắt đô thị có một nguồn kinh phí khổng lồ. Do đó, trong suốt quá trình triển khai thi công, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm chống tiêu cực, lãng phí. Đó cũng là cách để chúng ta giữ uy tín, xây dựng niềm đối với các định chế tài chính thế giới cho vay không chỉ đối với dự án này mà còn đối với các dự án khác trong tương lai.
Tàu điện ngầm. Ảnh minh họa
Hệ thống tàu điện ngầm – dù hiện đại đến mấy, nếu không thu hút đông đảo người dân đô thị tham gia chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn. Do đó, ngay từ bây giờ, cần tăng cường quảng bá thông tin, từng bước xây dựng ý thức sử dụng các phương tiện giao thông mới này. Trên hết, cần chứng tỏ cho mọi người thấy rằng việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng này là nhanh chóng, tiện lợi, rẻ và an toàn. Có như vậy, dự án này mới có thể thành công ngay từ khi bắt đầu đưa vào sử dụng.
(Nguồn: sggp.org.vn)