Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng cho đến nay số các dự án thực hiện còn rất ít, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất không đáng kể…
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Hậu- Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ khoa học và công nghệ), cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế trong những thập kỷ qua thì nhu cầu sử dụng năng lượng (NL) ở Việt Nam (VN) cũng tăng lên nhanh chóng. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN liên tục tăng với tốc độ tăng trường cao, trung bình khoảng 13,6%/năm, từ 14,64 tỷ kWh (năm 1995) hiện nay lên 109,3 tỷ kWh, tăng khoảng 7,5 lần.
Để đáp ứng nhu cầu NL trong khi việc cung ứng về NL đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động có xu hướng tăng cao, sự phụ thuộc nhiều hơn của Việt Nam vào giá NL thế giới… thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, lẫn an ninh NL và phát triển bền vững.
Với vị trí địa lý, khí hậu và các hoạt động nông nghiệp đã tạo ra cho nước ta một tiềm năng dồi dào và khá đa dạng các nguồn NLTT cho khai thác và sử dụng. Mặc dù là nước có tiềm năng lớn khai thác được các dạng NLTT như thủy điện nhỏ, sinh khối, gió, mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học… nhưng cho đến nay việc khai thác và sử dụng thực sự có hiệu quả NLTT trong sản xuất NL nói chung và điện năng nói riêng tại VN mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Hậu cho biết thêm, hiện thủy điện nhỏ được đánh giá là có cơ sở dữ liệu tin cậy nhất, đồng thời cũng là dạng NLTT khả thi nhất về mặt kinh tế, tài chính trong số tất cả các dạng NLTT ở Việt Nam.
Căn cứ vào báo cáo đánh giá gần đây nhất thì hiện nay có trên 1.000 địa điểm được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mồ từ 100 kW tới 30 MW với tổng công suất đạt trên 4.000 MW, các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hay năng lượng gió, mặc dù được đánh giá sơ bộ là quốc gia có tiềm năng phát triển nhưng hiện tại số liệu về tiềm năng khai thác năng lượng gió của Việt Nam rất nghèo nàn, chưa được lượng hóa đầy đủ vì thiếu điều tra và đo đạc để đánh giá nguồn tài nguyên này một cách bài bản và tin cậy.
Bên cạnh đó, VN cũng được xem là quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2. Năng lượng mặt trời ở VN có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bổ rộng rãi, đặc biệt số ngày nắng trung bình của miền trung và miền nam là khoảng 300 ngày/năm.
Chính sách của VN đối với phát triển NLTT đã được ban hành tương đối đầy đủ, thể hiện rõ quyết tâm ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện. Mục tiêu quốc gia về phát triển năng lượng mới và tái tạo đã được xác lập trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo TS. Nguyễn Đình Hậu, thời gian tới để NLTT thực sự phát triển cần dỡ bỏ ngay một số rào cản. Trước tiên, hiện đang thiếu chính sách đủ mạnh, đồng bộ bao gồm từ điều tra, thăm dò tiềm năng đến khai thác và sử dụng; Thiếu cơ chế tài chính hiệu quả cho việc đầu tư, quản lý và vận hành các dự án điện tái tạo tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngoài lưới. Thiếu một cơ quan đầu mối tập trung, với chức năng đủ mạnh để điều hành.
Do tính đặc thù của NLTT là phân tán, phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết nên nguồn số liệu là không sẵn có. Hiện nay, chưa có cơ quan nào được giao thu thập, cập nhật và thống kê như đã làm với các dạng năng lượng thương mại. Hiện tại, việc đánh giá tiềm năng NLTT có ở mức độ hạn chế vì do thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy.
Hơn nữa, nước ta còn thiếu các doanh nghiệp thương mại cung cấp các thiết bị NLTT phần lớn chưa chế tạo được trong nước mà phải nhập khẩu. các dịch vụ sau lắp đặt chưa có, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù chủ trướng mua điện từ các dự án NLTT để đấu nối vào lưới điện quốc gia đã thực hiện, nhưng trong thời gian qua còn nhiều khó khăn trong việc thương thảo giá- chưa có quy chế cụ thể về giá bán điện lên lưới. Đối với sự nghiệp điện khí hóa nông thôn cũng cần sớm có cơ chế đầu tư và hướng trợ cấp cho dân cư vùng ngoài lưới.
(Nguồn: hiendaihoa.com)