CHLB ĐỨC – Mục tiêu không phát khí thải vận chuyển tại các bến cảng hiện đang mở rộng sang các tàu container, cảng Hamburg trở thành cảng đầu tiên ở châu Âu cung cấp năng lượng ven bờ. Bắt đầu vào tuần thứ hai của tháng 5/2024, quá trình triển khai diễn ra sau hai năm lập kế hoạch và đầu tư 14 triệu USD vào cơ sở hạ tầng cần thiết.
Hamburg, một trong những cảng container hàng đầu châu Âu, cho biết sau nhiều năm cung cấp năng lượng ven bờ cho các tàu du lịch, công nghệ này hiện cũng đang sử dụng cho các tàu chở hàng. Nó phù hợp với mục tiêu không phát khí thải của cảng và các quy định của Châu Âu trong tương lai sẽ yêu cầu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ trên bờ.
Tàu chở hàng 18.000 TEU (1) có tên ‘CMA CGM Vasco de Gama’ trở thành tàu đầu tiên kết nối nguồn điện trên bờ tại cảng Container Terminal Hamburg. Tàu container được đóng vào năm 2015 đã có thể được cung cấp năng lượng trên bờ sau nhiều cuộc thử nghiệm với các hệ thống và tàu khác nhau. (1) TEU (Twenty-foot Equivalent Unit): là đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn.
Cảng container Hamburg là cảng đầu tiên có đủ khả năng cung cấp năng lượng trên bờ cho tàu container
Điều này xảy ra khi số lượng tàu cập cảng duy trì mức tăng ổn định trong những năm gần đây. Năm 2023, có tổng cộng 6.901 tàu có tổng trọng tải 256 triệu tấn cập cảng, gần một nửa trong số đó là tàu container. Số lượng container thông qua của cảng lên tới 7,7 triệu TEU trong năm 2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối nguồn điện trên bờ với các tàu chở hàng, cảng Hamburg đã bắt đầu đầu tư cách đây hai năm vào cơ sở hạ tầng cần thiết, một nhà máy sẽ hoạt động tại bến container, cung cấp kết nối cho ba bến tàu lớn. Mỗi tuyến có công suất kết nối 7,5 MVA. Nhà máy sẽ cung cấp cho tàu năng lượng tái tạo từ lưới điện công cộng. Một nửa kinh phí cho việc lắp đặt điện trên bờ tại cảng Container Hamburg do chính phủ CHLB Đức tài trợ thông qua Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang (Federal Ministry of Economics and Climate Protection).
Hamburg dự kiến sẽ mở rộng việc cung cấp cho các khu vực khác của cảng để tất cả các bến container và bến tàu du lịch sẽ kết nối nguồn điện từ trên bờ vào năm 2025. CMA CGM là công ty đầu tiên sử dụng hình thức này, nhưng cảng cho biết họ hiện đang trong quá trình ký kết các thỏa thuận hợp đồng với các công ty vận tải biển khác để đảm bảo rằng sẽ có nhiều tàu hơn cập cảng để nạp năng lượng tái tạo.
Ba bến tàu container hiện đã có kết nối nguồn điện từ trên bờ với kế hoạch tiếp tục phát triển đến năm 2025
Ông Jens Meier, Giám đốc điều hành Cảng vụ Hamburg Port Authority cho biết: “Dự án này được triển khai khi vẫn còn nhiều bất ổn liên quan đến việc sử dụng nguồn điện ven bờ. Tỷ lệ tàu container ở châu Âu có khả năng sử dụng năng lượng từ trên bờ gần như bằng không. Bất chấp những điều không chắc chắn này, chúng tôi quyết định tiếp tục và mở đường cho một tương lai bền vững hơn. Khi làm như vậy, cảng Hamburg đã nâng cao vị thế toàn cầu của mình với tư cách là người đi tiên phong và thực hiện đổi mới.”
Sau khi triển khai nguồn điện trên bờ tại cảng CTH (EUROGATE Container Terminal Hamburg), Hamburg dự định mở rộng dịch vụ tại các bến container Burchardkai và Altenwerder trước khi dần dần mở rộng phạm vi dịch vụ được cung cấp. Cảng cũng dự định thực hiện các cuộc kiểm tra tích hợp tàu thường xuyên và kiểm tra kỹ thuật để đánh giá kết nối của các tàu và điều chỉnh các điều kiện kỹ thuật cho phù hợp với yêu cầu. Cảng Hamburg đã cung cấp năng lượng trên bờ cho các tàu du lịch sau dự án thí điểm đầu tiên vào năm 2016.
Các cảng trên khắp châu Âu cũng đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu của châu Âu về yêu cầu năng lượng trên bờ vào năm 2030. Cảng Rotterdam đã bắt đầu một dự án thử nghiệm năng lượng trên bờ tại cảng Shortsea Rotterdam vào tháng 7/2023. Dự án đó đang khám phá tiềm năng lắp đặt điện áp thấp hơn cho vận chuyển đường biển ngắn sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho cảng.
Để xem các tin bài khác về “Cấp điện ven bờ”, hãy nhấn vào đây.
Nguồn: Maritime Executive