Hệ thống thiết bị liên khóa điện tử SSI, ghi động cơ đóng đường 1 phân khu do công ty ALSTOM (Cộng hòa Pháp) cung cấp và lắp đặt tại 35 ga thuộc dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu (TTTH) khu đoạn đường sắt (ĐS) Hà Nội – Vinh (giai đoạn 2). Đây là hệ thống liên khóa điện tử – máy tính – cảm biến đếm trục – đóng đường tự động 1 phân khu trên cáp quang – ghi động cơ L90.
SSI thay thế cho hệ thống thiết bị tay quay ghi hộp khóa điện, liên khóa rơ le, đóng đường bán tự động cho các ga từ Giáp Bát đến Vinh (hiện nay đã bàn giao và đưa vào sử dụng tại 17 ga từ Văn Điển đến Đồng Giao). Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, thiết bị SSI đã phát sinh một số bất cập; gây sự cố, trở ngại chạy tàu…
Nguyên nhân Sau một thời gian đưa vào sử dụng thiết bị SSI trên khu đoạn Hà Nội – Đồng Giao; chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, số vụ trở ngại, sự cố phát sinh đã xảy ra 220 vụ/68.008 phút/226 chuyến tàu phải chạy phiếu đường. Nếu xếp theo tứ tự về nhóm nguyên nhân thì sự cố do thiết bị cảm biến đếm trục (CBĐT) là 118 vụ (53,6%), mất biểu thị 39 vụ (17,7%) và các nguyên nhân khác chiếm 28,6%.
Nguyên nhân các sự cố, trở ngại liên quan đến bộ CBĐT được xác định là do công tác duy tu ĐS, ghi tại khu vực đặt CBĐT đã để các vật kim loại tác động vào đầu dây đếm trục gây ra phát hiện nhầm; do ray cơ bản hoặc bánh tàu mòn dẫn đến CBĐT hoạt động không chính xác; do goòng của các đơn vị quản lý ĐS chạy qua khu vực đặt CBĐT gây ra phát hiện nhầm; do gãy bu lông bắt bộ CBĐT vào ray cơ bản dẫn đến vị trí bộ CBĐT bị sai lệch gây ra lỗi đếm trục và trở ngại thiết bị.
Từ những nguyên nhân gây lỗi của thiết bị đếm trục, dẫn đến mạch liên khóa hoạt động, báo chiếm dụng khu gian (lỗi ảo) về hệ thống thiết bị SSI. Theo nguyên tắc an toàn thì không thể tự khôi phục hoạt động của thiết bị. Muốn khôi phục hoạt động của thiết bị về trạng thái ban đầu, phải khởi động lại hệ thống thiết bị.
Đặc biệt là lỗi đếm trục xảy ra với các bộ CBĐT ngoài khu gian thì ngoài việc phải khởi động lại hệ thống thiết bị, còn phải tổ chức chạy một chuyến tàu (chạy rà) bằng “phiếu đường” để khôi phục lại toàn bộ trạng thái ban đầu. Với trở ngại do gãy bu lông chuyên dùng bộ CBĐT, do không có vật tư dự phòng thay thế, nên phải chờ nhà thầu ALSTOM khắc phục; dẫn đến số chuyến tàu phải chạy “phiếu đường” gia tăng trong thời gian gần đây.
Tổ chức đón gửi tàu bằng thiết bị liên khóa điện tử SSI tại Ga Văn Ðiển.
Do các thông số kỹ thuật đường, ghi khu vực lắp động cơ L90 không đảm bảo (thiếu đá ba lát, chèn không chắc chắn…), dẫn đến tà vẹt bị treo. Lưỡi ghi mòn hoặc có khuyết tật. Tác động của nhiệt độ môi trường hoặc tác dụng của các bộ cố định ray (chống trôi) không đảm bảo. Những yếu tố này đã làm tiêu chuẩn áp sát lưỡi ghi (2mm – 4 mm) không đảm bảo, dẫn đến mất biểu thị trên màn hình LTC và trực ban chạy tàu (TBCT) không thực hiện được thao tác đón – gửi tàu. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Lỗi do TBCT sử dụng máy tính yếu, không nắm vững nguyên lý hoạt động, nguyên tắc khai thác, vận hành thiết bị SSI, phần mềm thiết bị không ổn định, khả năng làm chủ thiết bị còn hạn chế…
Kiến nghị Để hạn chế sự cố, trở ngại thiết bị, nâng cao khả năng khai thác, vận hành thiết bị SSI; đề nghị cơ quan chức năng khi tiếp nhận quản lý hệ thống thiết bị mới, đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng ĐS cần được nhận đầy đủ các hồ sơ hoàn công và các tài liệu kỹ thuật cần thiết khác; được trang bị đầy đủ dụng cụ phục vụ công tác kiểm tra, bảo trì hệ thống thiết bị, đặc biệt các dụng cụ chuyên dùng mà hiện nay trong nước không có.
Để các sự cố, trở ngại thiết bị không bị “treo”, bị kéo dài thời gian; đề nghị ngay sau khi tiếp nhận thiết bị, đơn vị quản lý được cung cấp các vật tư, thiết bị dự phòng thiết yếu (CBĐT, rơle, modul TFM…) để thay thế ngay sau khi xảy ra sự cố, trở ngại. Để hạn chế tình trạng “treo tà vẹt” do thiếu đá ba lát; đề nghị các công ty QLĐS xem xét điều chỉnh độ dày tà vẹt lên thêm 20mm, xử lý triệt để hiện tượng “treo tà vẹt” tại các bộ ghi L90 đã lắp đặt. Đề nghị ĐS Việt Nam ban hành các quy định chi tiết về: Tiêu chuẩn và quy trình duy tu sửa chữa đường, ghi tại các vị trí đã lắp bộ CBĐT, khu vực lắp động cơ quay ghi SSI; quy định sử dụng máy chèn đường, chạy goòng, mang vác dụng cụ duy tu, sửa chữa, bảo trì ĐS… khi qua các vị trí lắp đặt bộ CBĐT.
Nghiên cứu biện pháp chống trôi ray khu vực ghi khi dùng lẫn tà vẹt gỗ và tà vẹt K1; thay thế đồng bộ tà vẹt bê tông dự ứng lực K2 và phụ kiện đàn hồi để giải quyết triệt để hiện tượng trôi ray khu vực ghi. Đề nghị bộ giao thông vận tải sớm ban hành quy trình bảo trì thiết bị SSI để các công ty thông tin tín hiệu ĐS có căn cứ tổ chức thực hiện công tác bảo trì thiết bị liên khoá điện tử SSI, đảm bảo duy trì hoạt động lâu dài của thiết bị đã được đầu tư…
(Nguồn: baoduongsat.vn)