Tin vui từ nhóm sinh viên Khoa Cơ điện, Trường ĐH Lạc Hồng, tác giả của Hệ thống máy lắp ráp tự động Bobbin SS11 cho biết sản phẩm vừa đạt giải Nhì Robocon Techshow 2013 của họ đã được triển khai lắp đặt tại Công ty TNHH Nic Tokin Việt Nam (Khu Công nghiệp Loteco, Biên Hòa, Đồng Nai).
Sản phẩm ra đời xuất phát từ thực tế hiện nay, tại các công ty sản xuất linh kiện điện tử, đặc biệt là sản xuất cuộn cảm (cuộn lọc) vẫn làm thủ công bằng tay. Dẫn đến năng suất lao động thấp và chất lượng sản phẩm không cao.
Nhóm tác giả lắp đang chuyển giao máy lắp ráp tự động Bobbin SS11 cho Công ty TNHH Nic Tokin Việt Nam – ảnh do nhóm tác giả cung cấp.
Thực hiện công việc này, người công nhân phải dùng một lực ở các đầu ngón tay để lắp ba chi tiết của linh kiện lại với nhau. Do vậy, các đầu ngón tay của người công nhân sẽ bị mưng mủ khiến họ rất ngại khi phải làm việc trong thời gian dài. Đồng thời, khi lắp ráp bằng tay, mồ hôi tay sẽ dính vào các chi tiết, lâu ngày sản phẩm sẽ bị oxi hóa, độ bền không cao.
Với mong muốn chế tạo được loại máy lắp ráp tự động hoàn toàn có khả năng thay thế được điều kiện làm việc của người công nhân, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhóm sinh viên bao gồm: Ngô Thanh Bình, Lê Văn Điệp, Nguyễn Trần Thành Chánh, Lê Quang Đức, Nguyễn Duy Bình dưới sự dẫn dắt của thầy giáo Phạm Văn Toản đã thiết kế và chế tạo thành công Hệ thống máy lắp ráp tự động Bobbin SS11.
Chia sẻ với chúng tôi những khó khăn trong quá trình chế tạo máy, Trưởng nhóm thiết kế Ngô Thanh Bình cho biết: “Bài toán khó giải nhất là việc đưa ra phương án thiết kế phù hợp với chi tiết Core Bobbin và đưa ra bản vẽ tổng thể của hệ thống lắp ráp tự động Bobbin SS11. Cả nhóm đã phải nghiên cứu, chọn ý tưởng có tính khả thi cao để khi bắt tay vào thiết kế tiết kiệm được thời gian. Mặc dù, tính toán kỹ nhưng có những chi tiết, phải thực hiện đến lần thứ 3 mới cho kết quả như ý”. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết, đam mê sáng tạo khoa học của thầy và trò, trong vòng 3 tháng nhóm tác giả đã hoàn thiện hệ thống.
Hệ thống máy lắp ráp tự động Bobbin SS11 – ảnh do nhóm tác giả cung cấp.
Là sản phẩm có được đơn đặt hàng từ công ty của Nhật nên sức ép với các bạn sinh viên là rất lớn. Nó đòi hỏi tinh thần lao động, sáng tạo nghiêm túc và nhất thiết phải đáp ứng được yêu cầu mà phía công ty đưa ra. Bởi vậy “Ban ngày đi học, buổi tối tụi em thường phải thức đêm dưới xưởng cùng nhau lắp ráp máy. Tuy vất vả nhưng tinh thần quyết tâm, hăng say nên chúng em ai cũng thấy vui”, Lê Văn Điệp, thành viên của nhóm nghiên cứu tâm sự.
Sinh viên Nguyễn Trần Thành Chánh nhận thấy mình thu đuợc nhiều lợi ích khi tham gia đề tài chế tạo máy lắp ráp tự động. “Qua quá trình làm việc nghiêm túc đã rèn cho sinh viên tính kỷ luật cao khi lao động khoa học. Việc tự mày mò, tìm ra phương án đã giúp các bạn sinh viên trong nhóm phát huy tính sáng tạo của mình. Đồng thời, có những sai số, thất bại trong khi lập trình, thiết kế là những trải nghiệm nghề nghiệp qúy báu”, Chánh chia sẻ.
Theo sát hoạt động nghiên cứu, của sinh viên, Thầy giáo Phạm Văn Toản đánh giá cao tinh thần chủ động sáng tạo của nhóm sinh viên tham gia: “Đây là sản phẩm đặc biệt chú trọng đến vấn đề thời gian và độ bền của sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình học các môn thí nghiệm, thực hành các thầy cô không có nhiều thời gian nên không đi sâu vấn đề này. Trong quá trình thiết kế máy, sinh viên đã thể hiện sự sáng tạo của mình qua rất nhiều ý tưởng độc đáo. Đặc biệt là trong vấn đề làm sao để giảm thời gian, hoàn thành 1 sản phẩm trong thời gian 3 giây. Bên cạnh đó, sinh viên còn rất nhạy bén trong việc nắm bắt công nghệ mới, thể hiện rõ nhất là những em đã từng tham Robocon”. Thầy Toản cũng biết thêm, các thầy chỉ định hướng cho sinh viên nghiên cứu. Vì vậy, từ khâu thiết kế, gia công lắp ráp và lập trình sinh viên đều phải tự làm.
Là công ty có sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Lạc Hồng. Hơn thế lại là đơn vị đặt hàng trực tiếp với thầy trò tại đây, Ông Nguyễn Minh Thiện, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty Nec Tokin Việt Nam (Biên Hòa, Đồng Nai) đánh giá: “Sau khi Công ty nhận chuyển giao 4 chiếc máy lắp ráp tự động đã giảm hẳn sức lao động của công nhân và nâng cao được chất lượng sản phẩm. Nhóm tác giả đã thực hiện vượt chỉ tiên so vượt yêu cầu phía công ty đặt ra. Tức là có máy đã được năng suất là 2,5 giây/sản phẩm”.
Trao đổi với phóng viên, trưởng nhóm thiết kế Ngô Thanh Bình đã hé lộ thông tin về việc vừa có khách hàng liên hệ đặt hàng Hệ thống máy lắp ráp tự động Bobbin SS11.
(Nguồn automation.net.vn)