Học nhanh, học an toàn bằng thực tế ảo

Tháng Bảy 12 05:16 2021

Khi phải thao tác thực với mức điện áp từ 100 kV trở lên, bất kỳ sai sót nào cũng có thể là sai lầm cuối cùng của của học viên.

Ảnh: Tomas Kellner/GE Reports.

Người phụ nữ điều khiển cần cẩu khổng lồ nhấc bổng một máy đóng-ngắt cao áp lên cách mặt đất 10 m, rồi nhẹ nhàng quay cần cẩu và đặt thiết bị vào đúng vị trí trong trạm biến áp. Trong khi đó, một người hướng dẫn đang đứng trên mặt đất để cổ vũ chị và gợi ý vị trí đặt máy hoàn hảo. Sau đó, chị tháo bộ thiết bị thực tế ảo (VR) trên đầu xuống và trạm biến áp lập tức “hiện nguyên hình” thành một phòng họp nhỏ xíu. Người phụ nữ ấy đang tham gia một chương trình đào tạo mới bằng thực tế ảo do GE Grid Solutions phát triển để luyện tập các tình huống thực tế.

Thông thường, những người làm nhiệm vụ bảo trì lưới điện phải được đào tạo bằng thiết bị thực. Khi được đào tạo, người thực hiện việc thay thế máy đóng-ngắt điện, như trong ví dụ nêu trên, thường phải nghiên cứu nhiều tài liệu và quy trình thực hành kéo dài hàng tuần tại trung tâm đào tạo trạm biến áp, nơi mỗi nhóm khoảng sáu người sẽ thay nhau luyện tập thao tác với cần cẩu. Nhưng với công nghệ VR, học viên chỉ cần 20 phút để thực hành tác vụ này. Thứ họ cần chỉ là một màn hình máy tính để có thể lặp đi lặp lại quy trình cho đến khi hoàn hảo.

“Qua thực tế ảo, chúng tôi hướng dẫn người vận hành cách thực hiện một số dịch vụ bảo trì cho những thiết bị đòi hỏi sự chính xác trước khi họ va vấp thực tế”, Olivier Couderc, giám đốc đào tạo kỹ thuật toàn cầu của GE Grid Solutions, cho biết.

Đào tạo bằng thực tế ảo, hay đào tạo VR, là một dịch vụ Grid Solutions mang đến cho khách hàng là các công ty điện lực, công ty sản xuất điện và khai khoáng. Couderc đã giới thiệu hệ thống này tại Diễn đàn Toàn cầu của Ngành Điện 2018 (CIGRE 2018) tại Paris.

Theo ông, VR tiết kiệm nhiều chi phí vì giúp cắt giảm thời gian phải kèm cặp học viên thực hành. Đồng thời, hình thức đào tạo này cũng làm giảm thời gian đi lại tốn kém vì học viên chỉ cần đeo mũ thực tế ảo vào là có thể bắt đầu học rồi.

“Không có giới hạn nào hết”, Couderc nói. “Chúng tôi không cần một căn phòng rộng để chứa các loại thiết bị”. Điều này giúp giảm bớt những rắc rối hậu cần khi phải tập hợp một nhóm người để học cách thao tác những máy móc lớn như cần cẩu.

Nhưng điều quan trọng nhất là loại hình đào tạo này cực kỳ an toàn. “Trong một môi trường an toàn, thực tế ảo dạy người vận hành những gì họ cần biết để thực hiện chính xác trình tự vận hành và đảm bảo an toàn”, ông nói. “Chúng ta sẽ thao tác với mức điện áp 100 kV trở lên. Bất kỳ sai sót nào trong thực tế cũng có thể là sai lầm cuối cùng của bạn”.

Kỹ thuật viên cần phải được đào tạo bài bản về cách bảo trì những thiết bị điện công nghiệp khổng lồ, phức tạp và đắt tiền. Ảnh: GE Power.

GE Grid Solutions bắt đầu khởi động chương trình đào tạo VR để bảo trì máy đóng-ngắt điện khoảng một năm trước. Tại Diễn đàn CIGRE 2018, hãng ra mắt khóa đào tạo để trang bị thêm bộ thiết bị đóng-ngắt cách điện bằng khí. Đây là loại thiết bị có cấu tạo phức tạp và nhiều công ty cần thay mới sau khi sử dụng liên tục trong hơn 30 năm.

Chương trình đào tạo này mang đến một cách thức tương đối đơn giản để hướng dẫn học viên những kiến thức về một quy trình phức tạp. Trước tiên, học viên sẽ đeo mũ VR thông minh và cầm một thiết bị điều khiển. Trong phòng thực hành luôn có một người hướng dẫn cho học viên. Người này cũng sẽ được kết nối vào hệ thống VR và có thể nhìn thấy thiết bị điện trên màn hình máy tính. Chỉ cần bước vài bước hoặc vẫy tay là học viên sẽ nhập vai vào thực tế ảo. “Sau năm giây, bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang ở trong một trạm biến áp với những thiết bị khổng lồ và một cần cẩu nằm ngay gần đó,” Couderc nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng VR không thay thế được hoàn toàn những trải nghiệm thực tế. “Không có nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình đào tạo thực tế ảo, nên con người cũng cần học cách làm việc an toàn trong những tình huống thực có rủi ro cao,” ông nói thêm. Theo Couderc, loại hình đào tạo này phát huy tác dụng tốt nhất khi kết hợp với những phương pháp khác như cầm tay chỉ việc và học lý thuyết để ghi nhớ các bước thực hiện một tác vụ. “Nhưng để phục vụ mục đích đào tạo kỹ thuật, loại hình này rất hiệu quả và có thể ứng dụng trên toàn thế giới”.

Đây không phải lần đầu GE sử dụng VR trong đào tạo hoặc hướng dẫn công việc. Các kỹ sư bảo trì và đội thực nghiệm của hãng đang sử dụng công nghệ này để nghiên cứu các hoạt động bên trong nhà máy điện hạt nhân. Đồng nghiệp của họ ở Vương quốc Anh đang sử dụng VR để tối ưu hóa hay thậm chí là thiết kế nhà máy, một tác vụ thường được thực hiện trên máy tính hai chiều. Trong khi đó, bác sĩ đã bắt đầu kiểm tra cơ thể bệnh nhân bằng thực tế ảo để có thể lên kế hoạch phẫu thuật và phác đồ điều trị tốt hơn.

Couderc cho biết, trong tương lai, những người hướng dẫn học viên qua thực tế ảo thậm chí có thể chỉ dẫn từ xa. Ngoài ra, GE Grid Solutions cũng đang tìm cách ứng dụng thực tế tăng cường (augmented reality). Nếu thành công, học viên thực hành trên thiết bị thực sẽ được trang bị kính “thông minh” và được cung cấp các chỉ dẫn số hóa trên đó.

Còn lúc này, Couderc rất vui khi giúp những người vận hành lưới điện an toàn hơn. “Tôi nghĩ rằng công nghệ này sẽ thay thế sách hướng dẫn cho người vận hành dịch vụ bảo trì. Nhờ vậy, họ sẽ không phải đi thực nghiệm và gặp nguy hiểm khi chưa sẵn sàng”, ông nói.

Để xem các tin bài khác về Công nghệ thực tế ảo, hãy nhấn vào đây

 

(Nguồn: Kristin Kloberdanz / GE Report)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: