Pháp đã quyết định đầu tư 80 triệu euro vào dự án phát triển công nghệ xe lửa tương lai, được kỳ vọng có tốc độ nhanh hơn cả máy bay thương mại.
Xuất phát từ đề xuất táo bạo do doanh nhân người Mỹ gốc Canada Elon Musk đưa ra từ năm 2013, công nghệ tàu siêu tốc Hyperloop đang dần dần được thành hình. Ý tưởng chung của Hyperloop là sử dụng toa tàu điều áp có đường kính khoảng 3,3m và chở được tối đa khoảng 30 người di chuyển trong một đường ống áp suất thấp.
Nguyên lý chủ đạo để tăng tốc là giảm tối thiểu ma sát giữa toa tàu và môi trường xung quanh. Vì thế, trên sàn đường ống sẽ có một lớp đệm từ được tạo ra bởi nam châm vĩnh cửu hoặc đệm không khí để nâng toa tàu lơ lửng cách sàn 0,5 – 1.5mm. Nhờ vậy, tàu không tiếp xúc trực tiếp với ống và không nảy sinh ma sát. Mặt khác, áp suất bên trong đường ống cũng được điều chỉnh đến gần như bằng không.
Ý tưởng mô hình hệ thống tàu lửa siêu tốc Hyperloop Hyperloop Technologies
Tất cả tạo điều kiện để tàu Hyperloop có thể đạt vận tốc tối đa 1.220km/giờ trong khi tốc độ trung bình của các loại máy bay thương mại đường dài hiện nay chỉ khoảng 878 – 926km/giờ. Ngoài ra, hai đầu toa tàu sẽ gắn thiết bị phụt ra những luồng khí cực mạnh để lái trong khi nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời, tuyến đường ống có thể tạo ra xung điện từ để giúp tàu điều chỉnh tốc độ và dừng lại.
Tàu nhanh nhất thế giới hiện nay là Shanghai Maglev của Trung Quốc, sử dụng công nghệ đệm khí để đạt tốc độ tối đa 430km/giờ, vận tốc trung bình 251km/giờ. Đứng thứ hai là E5 Series Shinkansen Hayabusa của Nhật Bản với vận tốc tối đa khoảng 400km/giờ. Trong hệ thống tàu cao tốc TGV nổi tiếng của Pháp cũng có tàu TGV Duplex đạt vận tốc tối đa 320km/giờ.
Nghe qua tưởng chừng như là chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng Hyperloop có thể sẽ sớm thành sự thật. Hồi tháng 01/2016, công ty Hyperloop Technologies, trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), đã bắt đầu khởi công xây dựng tuyến đường ống thử nghiệm băng qua sa mạc ở phía bắc thành phố Las Vegas, bang Nevada và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Dự án này có tiềm năng tới mức theo Đài BFM TV hôm 05/05/2016, Tổng công ty đường sắt Pháp (SNCF) vừa quyết định đầu tư 80 triệu euro (gần 92 triệu USD) vào Hyperloop Technologies.
Một công ty khác mang tên Hyperloop Transportation Technologies thì đang ấp ủ dự án xây dựng tuyến Hyperloop nối liền Los Angeles và San Francisco với kỳ vọng sẽ hoàn thành trong 15 năm nữa. Nếu thành công, hành khách có thể qua lại giữa hai thành phố này chỉ trong vòng 30 phút thay vì gần bảy giờ lái xe như hiện nay.
Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản
Chi phí thấp hơn đường sắt cao tốc Theo những người ủng hộ Hyperloop, các tuyến đường ống có thể được xây dựng dọc theo đường bộ cao tốc để giảm chi phí giải tỏa mặt bằng. Nhờ sử dụng công nghệ xây dựng kiểu lắp ghép module và sử dụng năng lượng mặt trời nên Hyperloop cũng được ca ngợi là sẽ giảm thiểu chi phí xây dựng và sử dụng. Tờ The Independent dẫn lời một kỹ sư thuộc Hyperloop Transportation Technologies ước tính chi phí xây tuyến Hyperloop khoảng 15 triệu USDcho mỗi kilomet. Điều này có nghĩa là tuyến Los Angeles – San Francisco dài 560km sẽ tốn 8,4 tỉ USD. Trong khi đó, kế hoạch đường sắt cao tốc HS2 dành cho tàu 400km/giờ của Anh được cho là có thể ngốn đến 62 tỉ USD chỉ riêng cho đoạn đường 192km giữa London và Birmingham.
Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của Hyperloop, đặc biệt là về mặt an toàn, bảo dưỡng, chống chọi thiên tai, xử lý sự cố… Một số chuyên gia đặt thêm câu hỏi là việc xây dựng một hệ thống vận tải công nghệ cao hoàn toàn mới chỉ với chi phí thấp như trên thì liệu có đáng tin?
Mặc dù vậy, Hyperloop vẫn đang là ứng viên hấp dẫn nhất hiện nay cho một cuộc cách mạng trong thế kỷ 21 về lữ hành. Ngoài Pháp và Mỹ, nhiều nước khác đã bày tỏ sự quan tâm nghiêm túc về ý tưởng này.
Theo tờ The Wall Street Journal, Tổng giám đốc Hyperloop Transportation Technologies, ông Dirk Ahlborn cho biết đã tiếp xúc với các nhà hoạch định chính sách của 14 nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Về phần mình, Tổng giám đốc Rob Lloyd của Hyperloop Technologies cũng đã gặp gỡ giới chức Anh, Canada, Singapore và UAE.
(Nguồn: tinbc.com)