Dự án điện hạt nhân là vấn đề lâu dài, sẽ sử dụng trong nhiều thập kỷ tới nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam tích cực để phát triển điện hạt nhân bền vững. Đó là khẳng định của tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí tại bộ khoa học và công nghệ ngày 9/1/2014.
Tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) – ông Yukiya Amano phát biểu
Theo ông Yukiya Amano, trên thế giới hiện có khoảng 30 quốc gia sử dụng điện hạt nhân và nhiều quốc gia đang muốn phát triển lĩnh vực này. IAEA đã đưa ra bộ hướng dẫn cho các quốc gia tham khảo, từ việc bắt đầu như xây dựng luật năng lượng nguyên tử, lựa chọn địa điểm, tham gia các công ước quốc tế về điện hạt nhân, đào tạo nhân lực…
Việt Nam là quốc gia đã tham vấn IAEA ngay từ khi có ý định phát triển điện hạt nhân và nhận được cam kết giúp đỡ của IAEA. Ông Yukiya Amano đánh giá, thời gian qua Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc lập báo cáo khả thi, chuẩn bị nhân sự, tham gia công ước quốc tế…
Một trong những điểm quan trọng là Việt Nam cần có cơ quan pháp quy độc lập, chịu trách nhiệm giám sát về an toàn. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tốt, đề ra thứ tự ưu tiên phù hợp. Bên cạnh việc phối hợp nhịp nhàng với IAEA, Việt Nam cần phối hợp tốt với các quốc gia cung cấp công nghệ điện hạt nhân để có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tốt nhất.
Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978. Hiện nay, Việt Nam là chủ tịch hội đồng thống đốc IAEA niên khóa 2013-2014. Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân. Việt Nam coi đây không chỉ là trách nhiệm quốc gia mà còn là nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế.
Hiện, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước, công ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân năm 2010 tại Hoa Kỳ, năm 2012 tại Hàn Quốc và sắp tới tại Hà Lan vào năm 2014.
Sắp tới, IAEA sẽ cử đoàn công tác, khảo sát, đánh giá thường niên sang Việt Nam gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới tới Việt Nam để thảo luận các vấn đề như cơ sở hạ tầng, an toàn… Thông qua đoàn công tác này, IAEA sẽ biết Việt Nam cần gì và Việt Nam cũng có thể học hỏi chuyên gia quốc tế những kinh nghiệm tốt trong việc phát triển điện hạt nhân.
Ngoài ra, IAEA cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật. Trong giai đoạn 2012-2013, ngân sách mà IAEA hỗ trợ cho các dự án này vào khoảng 1 triệu Euro, trong đó có phát triển hạ tầng, an toàn điện hạt nhân… IAEA cũng hỗ trợ các dự án năng lượng nguyên tử như nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm, quản lý chất lượng thực phẩm xuất khẩu (quả thanh long)…
Về việc các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, ông Yukiya Amano cho rằng, dự án điện hạt nhân là vấn đề lâu dài, sẽ sử dụng trong nhiều thập kỷ tới nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, thời gian chuẩn bị không phải là vấn đề chính mà vấn đề là phải chuẩn bị tốt nhất. Bởi vậy, Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận, có tham vấn kỹ càng, cụ thể.
(Nguồn: baodientu.chinhphu.vn)