INDONESIA – Hannover Messe đã có một cuộc phỏng vấn với ông H.E. Arif Havas Oegroseno – Đại sứ nước Cộng hòa Indonesia tại Berlin, CHLB Đức, để biết rõ hơn về Indonesia, một trong những quốc gia đối tác của Hannover Messe.
1. Các nước nằm ngoài khu vực Đông Nam Á sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên khi nhắc đến Indonesia?
Đó chính là du lịch. Mọi người thường nghĩ về những kỳ nghỉ ở Indonesia, chẳng hạn như ở Bali. Chúng tôi đã nhận được nhiều lợi ích từ ngành du lịch. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã triển khai nhiều chiến dịch ở hàng loạt quốc gia trên thế giới. Số lượng khách du lịch đến với Indonesia ngày càng tăng. Tuy nhiên, chúng tôi không hề muốn mọi người chỉ nghĩ đến du lịch khi nhắc đến Indonesia.
2. Vậy thì, ngoài du lịch, mọi người nên nghĩ về điều gì khi nhắc đến Indonesia?
Chúng tôi muốn được coi là một địa điểm kinh doanh, một quốc gia mà mọi người có thể đến để đầu tư vì Indonesia là một thị trường khổng lồ. Ngoài ra, chúng tôi còn có những con người tài năng, nắm giữ nhiều tài nguyên thiên nhiên và là một nền dân chủ ổn định. Hiện tại, Indonesia đang có nhiều chính sách và kế hoạch để thu hút đầu tư quốc tế.
3. Là Đại sứ của Indonesia tại CHLB Đức, ông hãy cho biết giữa hai quốc gia này có những khía cạnh nào tương đồng với nhau?
Có rất nhiều điểm tương đồng. Trong đó, rõ ràng nhất là hai quốc gia này đều là những đối tác hàng đầu trong khu vực của họ và là những quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Đức là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu (EU), và Indonesia là thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giữa hai quốc gia này có một lịch sử lâu dài về mối quan hệ hợp tác.
4. Ông hãy mô tả mối quan hệ giữa CHLB Đức và Indonesia?
Chúng tôi hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau rất tốt. Rất lâu trước khi người Hà Lan, người Bồ Đào Nha và người Tây Ban Nha đặt chân đến Đông Nam Á, thì đã có những nhà thám hiểm và nhà địa lý người Đức đến Indonesia. Theo quan điểm của tôi, đây là một trong những chìa khóa cho mối quan hệ tích cực giữa hai nước. Ngày nay, cả hai nước đều là quốc gia dân chủ, có những giá trị rất giống nhau về hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh toàn cầu.
5. Indonesia có những mục tiêu phát triển đầy tham vọng. Vậy thì, Indonesia có những thế mạnh nào để có thể trở thành quốc gia công nghiệp trong top 10, thậm chí là top 5 trên thế giới?
Sức mạnh lớn nhất chính là con người. Dân số ở đất nước chúng tôi đa số là dân số trẻ. Khoảng 70% người dân ở Indonesia nằm trong độ tuổi từ 18 đến 60, độ tuổi mà họ có thể làm việc và kiếm tiền. Điều này có lợi cho nền kinh tế và thị trường của Indonesia. Điểm mạnh thứ hai chính là nền kinh tế kỹ thuật số. Không giống như các quốc gia khác, chúng tôi không phải đi từng bước vào ngành công nghiệp kỹ thuật số. Ở Indonesia, quá trình đang diễn ra song song. Nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển rất mạnh mẽ. Thương mại điện tử, FinTech, dịch vụ cũng như thể thao điện tử đã trở thành động lực của Công nghiệp 4.0.
6. Indonesia có nhiều điều kiện tự nhiên, địa lý cũng như là nơi tập hợp nhiều nền văn hóa khác nhau. Theo ông, đó liệu có phải là một trong những thế mạnh?
Chắc chắn là vậy. Indonesia là nước quần đảo lớn nhất thế giới với hơn 17.000 hòn đảo và trải dài trên ba múi giờ. Phải mất mười giờ để bay từ Đông sang Tây. Có khoảng 265 triệu người sống ở Indonesia, trong đó, hầu hết là người Hồi giáo, nhưng cũng có nhiều người thuộc các tôn giáo khác. Indonesia có 300 dân tộc và 700 ngôn ngữ khác nhau. Thực tế, đất nước chúng tôi vẫn ổn định về mặt chính trị vì bản chất của người dân ở đây rất khoan dung và hiền lành. Tất nhiên cũng có chủ nghĩa cực đoan như những nơi khác trên thế giới, nhưng rất ít.
7. Indonesia phát triển mạnh ở ngành công nghiệp nào?
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2017, ngành công nghiệp sản xuất của Indonesia chiếm 20,5% tổng nền kinh tế. Ở Trung Quốc con số này là 28%, ở Hàn Quốc là 27%, ở Nhật là 21% và ở CHLB Đức là 20,6%. Số liệu này đã cho thấy được sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ở Indonesia. Indonesia phát triển mạnh ở các lĩnh vực như: may mặc, thực phẩm và đồ uống, ô tô, xe máy cũng như công nghiệp điện tử và hóa chất. Chúng tôi muốn mở rộng các lĩnh vực này hơn nữa.
8. Có thể thấy, chủ đề về bảo vệ khí hậu đang xuất hiện rất nhiều trong các tiêu đề ở châu Âu. Vậy tình hình ở Indonesia hiện nay như thế nào?
Các vấn đề về môi trường chắc chắn là rất quan trọng. Mục tiêu của chúng tôi là giảm 29% lượng khí thải CO2 vào năm 2030. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm không khí do nhiều phương tiện cũ cũng đáng lo ngại. Chúng tôi đang lên kế hoạch tăng cường sử dụng xe điện và cố gắng đạt được tỷ lệ 20% vào năm 2025. Indonesia chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu này vì chúng tôi đáp ứng được các yêu cầu và có tất cả các nguyên liệu thô cần thiết cho di động điện tử. Đặc biệt, chúng tôi có một số nhà máy thủy điện và có đủ mọi thứ để sản xuất pin lithium. Điều này giúp Indonesia tiết kiệm chi phí và trên hết là tiết kiệm năng lượng.
9. Indonesia đã thực hiện được những gì trong kế hoạch “Making Indonesia 4.0”, để tham gia vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0?
Một mặt, Indonesia có một lộ trình chính trị – chiến lược để thiết lập khuôn khổ cho Công nghiệp 4.0. Mặc khác, Indonesia đã có những thay đổi, bắt đầu từ các nhà máy sản xuất. Ví dụ điển hình là trong ngành dệt may. Ở đây, chúng tôi có một nhà máy 4.0 để sản xuất đồng phục từ các vật liệu công nghệ cao, ví dụ như cho quân đội hoặc đội cứu hỏa. Việc chuyển đổi đang được tiến hành, và nền tảng cho điều này là nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ của chúng tôi với nhiều công ty khởi nghiệp cũng như lập trình viên, v.v.
10. Với tư cách là quốc gia đối tác, Indonesia muốn mang đến thông điệp gì cho Hannover Messe?
Đầu tiên và quan trọng nhất, Indonesia không chỉ phát triển về ngành du lịch. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng Indonesia là một quốc gia công nghiệp phát triển, có thể hỗ trợ cho Công nghiệp 4.0 cũng như là một nơi phù hợp cho các nhà đầu tư. Chúng tôi muốn được xem như là một quốc gia đã sẵn sàng tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
10 ưu tiên của Indonesia trong kế hoạch “Making Indonesia 4.0”:
– Cải cách lại dòng chảy của nguyên vật liệu – Tăng cường sản xuất vật liệu trong nước – Thiết kế lại các khu công nghiệp – Xây dựng lộ trình phân vùng công nghiệp toàn quốc – Nắm bắt sự bền vững – Nắm bắt cơ hội theo xu hướng bền vững toàn cầu – Ủy quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn quốc – Mạng và nền tảng kỹ thuật số – Thu hút đầu tư nước ngoài – Thu hút các nhà sản xuất hàng đầu bằng những ưu đãi hấp dẫn và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ – Nâng cấp nguồn nhân lực – Thiết kế lại chương trình giáo dục và tạo ra chương trình di động tài năng chuyên nghiệp (talent mobility – chỉ sự dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trong một tổ chức nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao) – Thiết lập hệ sinh thái đổi mới – Mở rộng trung tâm R&D của chính phủ, khu vực tư nhân và các trường đại học – Đầu tư công nghệ – Miễn thuế hoặc trợ cấp cho việc áp dụng công nghệ – Tối ưu hóa lại quy định và chính sách – Xây dựng chính sách và quy định chặt chẽ hơn
Để xem các tin bài khác về “Indonesia”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Hannover Messe)