Indonesia cho biết nước này sẽ đưa vào hoạt động ba nhà máy điện địa nhiệt (năng lượng lấy từ lòng đất) có tổng công suất 62MW trong năm nay, trong khuôn khổ các nỗ lực phát triển năng lượng sạch nhằm xây dựng một nền kinh tế xanh.
Là một trong những nước có tiềm năng địa nhiệt lớn nhất thế giới do nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nhưng cho đến nay Indonesia mới chỉ khai thác được 1,4% tiềm năng do phát triển điện địa nhiệt đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
Vụ trưởng địa nhiệt của Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Tisnaldi cho biết việc vận hành ba nhà máy này sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu điện triền miên ở đất nước này. Đây là một phần trong kế hoạch nâng tổng công suất phát điện thêm 10.000MW của công ty điện lực quốc gia PLN, trong đó điện địa nhiệt chiếm 40%, để nâng cao tỷ lệ điện khí hóa của Indonesia từ khoảng 80% hiện nay lên 100% vào năm 2020. Ba nhà máy này được xây dựng tại các tỉnh Tây Java và Đông Nusa Tenggara, sẽ giúp bổ sung cho lưới điện ở Java và Bali là hai khu vực chiếm phần lớn nhu cầu điện của đất nước.
Giá năng lượng tăng cao trong thập kỷ qua đã khiến điện địa nhiệt có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như dầu mỏ và than đá. Do vậy, ngoài việc đưa vào vận hành ba nhà máy trên, Indonesia cũng dự kiến sẽ tiếp tục đưa một số nhà máy điện địa nhiệt mới vào hoạt động trong vài năm tới, trong đó có nhà máy tại Nam Sumatra với công suất lên tới 220MW, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018
(Nguồn: renewableenergy.org.vn)