Khởi đầu cho nông nghiệp công nghệ cao

Tháng Ba 12 07:45 2016

Hiện đã có những đơn vị thuộc sự quản lý của nhà nước tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu có Khu nông nghiệp công nghệ cao hay Trung tâm công nghệ sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh.

Gần đây đã có thêm những “cá nhân” hay công ty tham gia vào lĩnh vực này, cho thấy nông nghiệp vẫn là một mảnh đất màu mỡ và hứa hẹn nhiều giá trị, nhất là khi ứng dụng cả giải pháp công nghệ.

Chưa dám nói nhiều
Trong giới bán lẻ thiết bị di động, nhiều người biết đến Đinh Anh Huân của Thế giới di động. Nhưng đó là chuyện đã xa, còn chuyện ngày nay là anh Huân đang ấp ủ một khát vọng với nông nghiệp công nghệ cao ở Cầu Đất (Đà Lạt). Trang trại này có diện tích hơn 200ha, chủ yếu trà và cà phê; song khát vọng lớn nhất vẫn là vườn rau quả được chăm bón, tưới tiêu, thu hoạch… hoàn toàn tự động qua kết nối với hệ thống theo xu hướng “Internet vạn vật” từ các thiết bị của một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp chế tạo trên những con chip của hãng Intel.

Khoi-dau-cho-nong-nghiep-cong-nghe-cao-1Mô hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đang được Cầu Đất Farm thực hiện

“Hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm nên tôi chưa dám nói nhiều về nó”, anh Huân khiêm tốn bộc bạch. Song không khó hình dung, vườn rau quả này được thiết kế trong lồng kính với hệ thống tưới tiêu tự động có hệ thống cảm biến ánh sáng, nhiệt độ… và cả cảm biến nhận biết chu kỳ sinh trưởng của cây cũng như robot thu hoạch. Tất cả những thông tin của cây được truyền về hệ thống máy chủ và từ đây, các chuyên gia có thể đưa ra những giải pháp cần thiết để rau, quả có chất lượng tốt nhất… Xa hơn sẽ dần dần hình thành nên nguồn cơ sở dữ liệu được số hóa mà ai cũng có thể ứng dụng, dùng chung.

Anh Huân khiêm tốn cũng phải, vì mọi thứ mới vừa bắt đầu dù vườn rau đã cho những sản phẩm đầu tiên mà người trồng cũng như người tiêu dùng sẽ biết rõ thông tin của cả quá trình tạo ra sản phẩm. Như một quả cà chua, nếu người tiêu dùng yêu cầu thì Cầu Đất Farm sẽ cung cấp toàn bộ thông tin từ giống, thời điểm bón phân, mật độ ánh sáng…, tức là minh bạch thông tin cho sản phẩm. Đây là điều mà người tiêu dùng luôn cần, nhất là trong bối cảnh không ít rau củ quả “nhuộm” thuốc bán đầy rẫy hiện nay. Lý do để anh Huân khiêm tốn hơn còn vì nó đang trong quá trình thử nghiệm song anh đã ấp ủ việc nhân mô hình này đến với tất cả những người nông dân, hộ nông dân hay trang trại có nhu cầu với chi phí rẻ nhất có thể.

Anh Huân cho biết: “Nếu chúng tôi thành công, sẽ cùng Intel cho ra những bộ thiết bị sản phẩm có giá rẻ nhất cùng khả năng điều khiển đơn giản nhất bằng một ứng dụng trên smartphone. Phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm và hoàn thiện, chúng tôi mong rằng khi có thêm nhiều cá nhân hay đơn vị khác cùng tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao thì thời gian khởi sắc của nông nghiệp trong nước sẽ nhanh hơn…”.

Khoi-dau-cho-nong-nghiep-cong-nghe-cao-2Ảnh minh họa

Tập đoàn công nghệ cũng tham gia
Mới đây, Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu đã khai trương Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT – Fujitsu tại Hà Nội, giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây – Akisai. Trung tâm này hiện đang áp dụng hai mô hình sản xuất “Nhà kính – Green house” và “Nhà máy rau – Vegetable factory” trên hai loại rau có giá trị gia tăng cao là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali. Ở đây, cây trồng được điều khiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín, tránh được sâu bệnh, nhờ vậy giảm công sức cho người trồng và cho ra sản phẩm chất lượng vượt trội.

Theo như “công nghệ” của vụ hợp tác này, cà chua có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng rất cao, với lượng đường và lycopene (thành phần chống ôxy hóa) cao hơn khoảng ba lần so với sản phẩm thông thường. Đặc biệt, cà chua được áp dụng kỹ thuật IMEC (phương pháp trồng trên tấm phim hydrogel) cho phép chất dinh dưỡng và nước thấm qua, giúp ngăn chặn toàn bộ vi khuẩn. Với kỹ thuật này, cà chua được trồng với mật độ cao: trung bình 4.000 – 6.000 cây/1.000 mét vuông, thu hoạch được quanh năm, thay vì trồng luân canh như kỹ thuật thông thường tại Việt Nam…

Cũng như Cầu Đất Farm, sau giai đoạn thử nghiệm, FPT và Fujitsu sẽ thống nhất mô hình phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức có thể cùng hợp tác triển khai rộng rãi tại Việt Nam. “Với vai trò là doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, FPT mong muốn đem những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, FPT không làm việc này một mình mà sẽ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp để phát triển mô hình nông nghiệp thông minh tại Việt Nam,” ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, nhấn mạnh như một lời cam kết.

Phía FPT nhận định rằng, Việt Nam đang tìm kiếm những giải pháp hiện đại nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mà tiêu biểu là cải cách kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Hiện nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như Fujitsu, Toshiba, Panasonic cũng như các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như FPT đang có xu hướng đưa ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nhằm chung tay thúc đẩy sự phát triển của mô hình nông nghiệp thông minh quốc gia… Đây cũng có thể xem là sự khởi đầu khá tốt cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chúng ta.

(Nguồn: sggp.org.vn – Bá Tân)

Bình luận hay chia sẻ thông tin