Từ nay đến năm 2019, các công ty nước ngoài sẽ đầu tư 6,6 tỷ USD vào chương trình phát triển năng lượng tái tạo ở Mexico.
Sản xuất phong điện ở Mexico
Ngày 14/2, tại buổi lễ ký kết hợp đồng với những người chiến thắng vòng 2 của cuộc đấu giá trong ngành công nghiệp điện, người đứng đầu Bộ Năng lượng Mexico, P. Caldwell cho biết, cho đến nay đã có 34 công ty nước ngoài đăng ký đầu tư vào lĩnh vực khai thác các nguồn năng lượng tái tạo ở nước này. Cụ thể, 6,6 tỷ USD sẽ được các công ty nước ngoài đầu tư vào chương trình xây dựng 52 cơ sở sản xuất các dạng năng lượng phi truyền thống. Trước mắt, Mexico tập trung chú trọng vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất phong điện và điện mặt trời.
Theo thông tin do Bộ trưởng Caldwell cung cấp, trong 18 năm qua, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Mexico đã tăng 170% và sắp tới đây thị trường tiêu thụ điện sẽ có thêm 5.000 MW điện được bổ sung từ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) đánh giá rằng Mexico là một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho việc phát triển sản xuất năng lượng mặt trời và là quốc gia đang có nhiều nỗ lực tích cực tận dụng ưu thế này.
Được biết, trong số những công ty tham gia phát triển năng lượng tái tạo ở Mexico có cả những tên tuổi lớn trong ngành năng lượng thế giới. Đơn cử, tập đoàn năng lượng quốc tế Enel hiện đang có kế hoạch xây dựng trạm phong điện Salitrillos cực lớn ở vùng Đông Bắc Mexico. Enel đã từng xây dựng ở Mexico một nhà máy điện hỗn hợp có tổng công suất 500 MW, trong đó 446 MW từ phong điện và 53 MW từ các trạm thủy điện nhỏ.
Hiện Enel đang xây dựng tại Mexico 2 trạm phong điện có tổng công suất 229 MW, đó là trạm Palo Alto ở bang Jalisco có công suất 129 MW và Viento del Altiplano ở bang Zacatecas với công suất 100 MW. Mexico được coi là quốc gia đi đầu tại châu Mỹ Latin trong lĩnh vực khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.
Về năng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh: là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng năng lượng tái sinh là tách một phần năng lượng từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và đưa vào trong các sử dụng kỹ thuật. Các quy trình này thường được thúc đẩy đặc biệt là từ Mặt Trời. Năng lượng tái tạo thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống trong 4 lĩnh vực gồm: phát điện, đun nước nóng, nhiên liệu động cơ, và hệ thống điện độc lập nông thôn.
Có khoảng 16% lượng tiêu thụ điện toàn cầu từ các nguồn năng lượng tái tạo, với 10% trong tất cả năng lượng từ sinh khối truyền thống, chủ yếu được dùng để cung cấp nhiệt, và 3,4% từ thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo mới (small hydro, sinh khối hiện đại, gió, mặt trời, địa nhiệt, và nhiên liệu sinh học) chiếm thêm 3% và đang phát triển nhanh chóng. Ở cấp quốc gia, có ít nhất 30 quốc gia trên thế giới đã sử dụng năng lượng tái tạo và cung cấp hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ. Các thị trường năng lượng tái tạo cấp quốc gia được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới và sau đó nữa. Ví dụ như, năng lượng gió đang phát triển với tốc độ 30% mỗi năm, công suất lắp đặt trên toàn cầu là 282.482 (MW) đến cuối năm 2012.
Các nguồn năng lượng tái tạo tồn tại khắp nơi trên nhiều vùng địa lý, ngược lại với các nguồn năng lượng khác chỉ tồn tại ở một số quốc gia. Việc đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, và có lợi ích về kinh tế. Các cuộc khảo sát ý kiến công cộng trên toàn cầu đưa ra sự ủng hộ rất mạnh việc phát triển và sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.
Trong khi nhiều dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn, các công nghệ năng lượng tái tạo cũng thích hợp với các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa và các nước đang phát triển.[8] Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nói rằng năng lượng tái tạo có khả năng nâng những nước nghèo lên một tầm mới thịnh vượng hơn
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Bá Thủy/ Petrotimes/ wikipedia)