ÚC – Vào ngày 23/8/1969, tàu chở hàng MV Noongah khởi hành từ thành phố Newcastle đến thành phố Townsville với một lô hàng sắt thép và 26 thủy thủ đoàn. Tàu dài 71m này đã vận chuyển hàng hóa giữa các thành phố dọc theo bờ biển phía đông nước Úc trong một thập kỷ.
Hai ngày sau đó, tàu đã biến mất trong đêm dưới những con sóng cao 10m bởi một cơn bão. Chỉ có 5 trong số 26 thủy thủ đoàn được cứu trong những cuộc tìm kiếm người sống sót lớn nhất lịch sử hàng hải nước Úc kể từ sau chiến tranh. Đối với tàu MV Noongah, nơi nó mất tích vẫn là điều bí ẩn.
Tàu RV Investigator có nhiều công cụ giúp khám phá đáy biển thành công
Trong chuyến nghiên cứu các hẻm núi ngầm ngoài khơi bờ biển New South Wales (Úc), một nhóm nhà khoa học trên tàu CSIRO RV Investigator đã trở thành những người đầu tiên nhìn thấy xác tàu MV Noongah sau gần 55 năm mất tích. Phát hiện này không phải là ngẫu nhiên. Đây là một phần của dự án hợp tác điều tra nhằm xác định một vụ đắm tàu bí ẩn.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây có một số phát hiện về xác tàu đắm được đưa tin. Tàu khoa học quốc gia của Úc đã lập được thành tích ấn tượng trong vai trò thám hiểm tìm kiếm xác tàu đắm.
RV Investigator là tàu gì? Tàu RV Investigator là một thiết bị của cơ quan Nghiên cứu Biển Quốc gia (Marine National Facility) – được điều hành bởi CSIRO, cơ quan Khoa học Quốc gia của Úc (Australia’s national science agency).
Tất cả các nhà nghiên cứu Úc và cộng tác viên quốc tế đều có thể truy cập vào dữ liệu của tàu RV Investigator. Điều này biến nó thành một trung tâm cộng tác cho lĩnh vực nghiên cứu biển. Và nó là một thiết bị quan trọng trong nhiều khám phá tàu đắm gần đây.
Trong 10 năm hoạt động vừa qua, hơn 150 tổ chức đã hợp tác để cung cấp nghiên cứu khoa học trên các chuyến đi. Tàu RV Investigator có thể đáp ứng nhiều dự án trong mỗi chuyến đi. Nghiên cứu bao gồm từ khảo sát nghề đánh cá và lập bản đồ đáy biển, đến nghiên cứu khí quyển và cả khảo sát di sản hàng hải.
Tàu RV Investigator được trang bị một bộ hệ thống âm thanh tiên tiến. Tàu có ba hệ thống lập bản đồ đáy biển, được gọi là máy đo tiếng vang đa tia (multibeam echosounder) (1). Chúng cho phép đo độ sâu của đáy biển, từ bờ biển nông đến điểm sâu nhất của đại dương. (1) Máy đo tiếng vang đa tia: là một thiết bị được sử dụng để lập bản đồ đáy biển. Nó phát ra sóng âm theo hình quạt bên dưới bộ thu phát của nó. Thời gian cần thiết để sóng âm thanh phản xạ khỏi đáy biển và quay trở lại máy thu được sử dụng để tính độ sâu của đáy biển.
Các hệ thống này lập bản đồ đáy biển ở mọi nơi tàu đi qua, thông qua việc thu thập dữ liệu trong khi di chuyển và thông qua các cuộc khảo sát.
Khoảng cách mà tàu RV Investigator di chuyển trong chương trình nghiên cứu hàng năm và khối lượng dữ liệu đo độ sâu mà nó thu thập đều rất lớn. Điều này làm tăng khả năng khám phá đáy biển.
Trong mười năm qua, tàu RV Investigator đã đi được hơn 500.000km và lập bản đồ hơn 3 triệu km2 mặt biển của Úc. Nó đã đi vòng quanh lục địa này nhiều lần.
Những điều trên đã tạo cơ hội để điều tra nhiều địa điểm nghi ngờ tàu đắm. Đây thường là các dự án “piggyback” – những dự án được thêm vào chuyến đi nhưng không sử dụng thêm bất kỳ nguồn lực nào.
Sức mạnh của sự hợp tác Việc tìm kiếm xác tàu đắm không thể thực hiện nếu không có sự cộng tác. Cộng đồng hàng hải, các cơ quan di sản, các cơ quan nghiên cứu và nhiều công dân đều đã đóng góp vào những phát hiện xác tàu đắm gần đây.
Các cuộc tìm kiếm cần sự kết hợp với các ngư dân đánh cá, thợ săn xác tàu đắm tình nguyện và thậm chí các nhà sử học đã ghép lại các thông tin về vị trí của các vụ tàu đắm.
Việc tiếp cận những người bị ảnh hưởng rất có giá trị. Họ là những người sống sót sau tai nạn và gia đình của những người mất tích trên biển, để thông báo cho nhóm nghiên cứu trong suốt quá trình khảo sát.
Việc phát hiện xác tàu đắm có thể thay đổi cuộc sống của gia đình nạn nhân – như cuộc đoàn tụ sau 80 năm của hai anh em nhà Stewart, đã từng mồ côi cả cuộc đời sau khi cha họ qua đời trên tàu SS Iron Crown năm 1942.
‘Mắt’ ở đáy biển Tàu RV Investigator được trang bị camera thả chuyên dụng có thể quan sát đáy biển ở độ sâu lên đến 5.000m. Hình ảnh do chúng cung cấp rất cần thiết để xác định xác tàu đắm.
Vào năm 2023, một nhóm nghiên cứu của cơ quan khoa học quốc gia CSIRO đã sử dụng hệ thống camera này để xác định xác tàu SS Nemesis, một tàu hơi nước bị mất tích vào năm 1904 ngoài khơi bờ biển New South Wales. Cũng trong năm 2023, một xác tàu không xác định ngoài khơi bờ biển phía tây nam đảo Tasmania đã được đặt tên – đó là tàu chở hàng MV Blythe Star bị đắm vào năm 1973.
Các khu vực rộng lớn của đáy biển được tàu RV Investigator lập bản đồ cũng dẫn đến những khám phá bất ngờ. Tàu sắt Carlisle bị đắm trong những năm 1890 ở eo biển Bass, đã được tìm thấy vào năm 2017 là một cuộc phát hiện tình cờ”.
Hình ảnh đuôi tàu MV Blythe Star
Tại sao phải săn tìm xác tàu đắm? Những khám phá này quan trọng vì nhiều lý do. Việc tìm kiếm và phân tích một vụ đắm tàu có thể giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh dẫn đến những tai nạn này. Nó cũng giúp những người bị ảnh hưởng có người thân mất tích trên biển.
Biết được tình trạng hiện tại của vụ đắm tàu là điều quan trọng đối với các chuyên gia và các cơ quan quản lý và bảo vệ các vùng biển. Một số vụ đắm tàu có nguy cơ gây ra thiệt hại về môi trường như rò rỉ nhiên liệu hoặc dầu, vì vậy việc có dữ liệu về chúng là rất quan trọng để quản lý những rủi ro đó.
Tàu RV Investigator đang được lên kế hoạch cho một loạt các cuộc nâng cấp khoa học, bao gồm cả hệ thống âm thanh. Với 8.000 xác tàu đắm rải rác quanh bờ biển Úc và hơn một nửa trong số đó chưa được phát hiện, vẫn còn nhiều bí ẩn hàng hải cần giải quyết.
Để xem các tin bài khác về “Tàu nghiên cứu”, hãy nhấn vào đây.
Nguồn: Maritime Executive