Hội nghị Quốc tế về An ninh và Quốc phòng hàng hải (MS&D) được tổ chức lần thứ 7 tại Hamburg trong thời gian diễn ra hội chợ hàng hải hàng đầu thế giới SMM. Hội nghị được tổ chức vào ngày 6 và 7, tháng 9, năm 2018. Trọng tâm mà hội nghị hướng đến là những thách thức về an ninh và quốc phòng của ngành hàng hải ở hiện tại lẫn tương lai. Hai mươi chuyên gia về hải quân, công nghiệp và khoa học nổi tiếng đã thảo luận về các chủ đề như làm thế nào để bảo vệ các tuyến giao dịch đại dương quốc tế, làm thế nào để triển khai lực lượng hải quân trong các cuộc khủng hoảng, cũng như trong vấn đề an ninh mạng.
Hội nghị được mở đầu với bầu không khí ảm đạm khi Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân CHLB Đức, Chuẩn đô đốc Thorsten Kähler trình bày sự tiếc nuối của ông về việc Liên Hợp Quốc không đánh giá cao những nỗ lực của tổ chức. Ông cho biết, thay vì tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, thì lại có một số quốc gia muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình bằng cách lấn chiếm lãnh thổ của nước khác. Ông cảnh báo rằng: “Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền. Sự tự do của các đại dương là tiền đề cho sự phát triển kinh tế và xã hội tích cực ở tất cả các quốc gia”. Các mối nguy hiểm mới của chiến tranh đa chiều đang đe dọa sự tự do này. Đồng thời, ông Kähler cũng cho rằng một số mối đe dọa mới đã xuất hiện, điển hình như chiến tranh mạng. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với việc hợp tác chiến lược cũng như việc đầu tư nhiều hơn vào nhân sự và trang thiết bị.
Thành tựu của hải quân Trung Quốc
Giảng viên tại Đại học Kiel, Trung Quốc cũng là người đứng đầu bộ phận Phát triển chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương, Tiến sĩ Sarah Kirchberger chỉ ra rằng duy trì sự ổn định của hệ thống chính trị và chủ quyền lãnh thổ quốc gia là động lực chính của Trung Quốc. Yếu tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ gần đây của lực lượng hải quân Trung Quốc chính là từ những quan ngại với phương Tây, bắt nguồn từ hệ tư tưởng xa xưa của đất nước. Bài giảng của Kirchberger miêu tả sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc, không chỉ số lượng tàu hải quân đang tăng nhanh mà chất lượng của chúng cũng vậy. Trong khi trước đây, nền công nghiệp Trung Quốc vẫn còn chưa phát triển, phải dùng đến các trang thiết bị từ Nga, thì hiện tại ngành công nghiệp nước này đã có khả năng sản xuất sánh bằng với các quốc gia châu Âu khác. Một hạm đội tàu ngầm mới đang được bổ sung và các căn cứ hải quân cũng được tạo ra bằng cách xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô. Bà khép lại bài phát biểu của mình bằng việc đề cập đến tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, điều mà vẫn đang bị đánh giá thấp bởi các nước phương Tây. Bài phát biểu của bà đã cho chúng ta thấy được hình ảnh thế giới khi nhìn từ một góc độ khác.
Biến đổi khí hậu gây ra những cuộc xung đột mới
Một thách thức mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng hải quân chính là tình trạng biến đổi khí hậu. Giảng viên Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Agder, Na Uy, tiến sĩ Christian Webersik đã trình bày hàng loạt các số liệu để chứng minh rằng trên thực tế thì các cuộc xung đột vũ trang luôn có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố thời tiết. Điển hình là, sự thay đổi của các tảng băng ở Bắc Cực có thể dẫn đến tranh chấp biên giới mới. Tiến sĩ Patricia Schneider từ Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh và Hòa bình tại Đại học Hamburg nghĩ rằng, việc thiếu một khung pháp lý cho vùng Bắc Cực và các yêu sách lãnh thổ được đưa ra bởi các quốc gia khác nhau có thể sớm gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Khi băng tan ở Bắc Cực, các tuyến đường biển mới sẽ được mở và có thể phục vụ cho mục đích du lịch. Vì thế, khu vực này cần được bảo vệ dẫn đến việc các tàu hải quân mới sẽ phải được thiết kế để hoạt động ở những vùng biển này.
Quốc phòng trên mọi mặt trận
Lực lượng quốc phòng biển đang gặp phải các mối đe dọa và nguy hiểm nghiêm trọng. Một số diễn giả đã trình bày các giải pháp công nghệ cũng như các hệ thống chiến thuật để giải quyết những vấn đề phức tạp này. Điển hình là Kai Glasebach đến từ công ty Schottel – chuyên gia về hệ thống động lực tàu đã giới thiệu về các hệ thống động lực mới, giúp tăng cường khả năng cơ động ở những vùng khó tiếp cận hoặc vùng nước nông. Chỉ huy Stefan Becker của hải quân Đức cũng trình bày về việc Đức đã chiếm vị trí hàng đầu trong giám sát trên không đối với các đại dương bị ô nhiễm. Máy bay chuyên dụng có thể giám sát 15.000 km2 vùng Biển Bắc và Biển Baltic mỗi giờ bằng công nghệ radar và cảm biến. Patrick O’ Keeffe đến từ AMC Solutions cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về mối đe dọa của các tội phạm mạng đối với các hoạt động hải quân. Bên cạnh đó, chuyên gia Patrick Rossi đến từ tổ chức đăng kiểm hàng hải DNV GL cũng đặc biệt cảnh báo về sự bất cập trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công mạng đang gia tăng nhanh chóng nhắm vào ngành hàng hải.
Hệ thống cho các loại hình chiến tranh mới
Hội đồng chuyên gia thứ ba tại MS&D đã cung cấp một tầm nhìn sâu sắc về những phát triển mới trong ngành công nghệ hải quân. Trong bài phát biểu đầu tiên, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Quốc phòng và An ninh CHLB Đức, Tiến sĩ Hans-Christoph Atzpodien đã nêu ra các khía cạnh của hợp tác quốc tế. Tiến sĩ cho biết, những áp lực thúc đẩy việc tăng cường đầu tư cho lực lượng quân sự châu Âu đã có hiệu quả hơn trước, vì trước đây thậm chí không hề có một cuộc hội thảo nào bàn luận về các thiết bị vũ trang như ngày nay. Ông cho rằng: “Chúng ta nên hài hòa các quy định để có thể bắt tay hợp tác với nhau. Ngành công nghiệp sẵn sàng, điều còn thiếu là kế hoạch dài hạn.”
Phiên hội nghị tiếp theo cung cấp một cái nhìn tổng quan về các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Thành viên Ban điều hành của Thyssen-Krupp Marine Systems, ông Andreas Burmester đã trình bày về các công nghệ tích hợp, đặc biệt là hệ thống chiến đấu tích hợp đầy đủ cho các tàu ngầm thế hệ mới. Những tàu ngầm này sẽ phù hợp để sử dụng IDAS – các hệ thống phòng thủ và tấn công tương tác, như hệ thống được trình bày bởi Klaus-Eberhard Möller đến từ Diehl Defence, đối tác phát triển của Thyssen-Krupp.
Bên cạnh đó, ông Alexander Graf, công ty Rheinmetall, cũng đã giới thiệu về laser năng lượng cao, có thể sử dụng trên các tàu hải quân. Các hệ thống laser này có khả năng bắn trúng một đồng xu ở khoảng cách 1km với độ chính xác 98%. Ngoài ra, một chủ đề khác của hội đồng chuyên gia này là hệ thống vũ khí tự động. Điển hình là máy bay trực thăng không người lái VSR 700 – một ý tưởng mới đến từ Airbus Helicopters. VSR 700 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ sẵn sàng để giao hàng vào năm 2020, dự định được sử dụng trong lực lượng trinh sát biển.
Để xem các tin bài khác về SMM Hamburg, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: SMM Hamburg/ www.smm-hamburg.com)