Theo nhận định của nhóm chuyên gia Điện và Năng lượng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thì năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phù hợp nhất để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn do có khả năng điều chỉnh linh hoạt và mở rộng trong thời gian ngắn (2 năm).
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cuối tháng 11 này, nằm trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh”.
Theo nhận định của nhóm chuyên gia Điện và Năng lượng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thì năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phù hợp nhất để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn do có khả năng điều chỉnh linh hoạt và mở rộng trong thời gian ngắn (2 năm). Trong đó điện gió sẽ đóng vai trò chủ đạo, tiên phong dựa trên mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có (với trên 4,4 GW công suất lắp đặt của các dự án đã đăng ký) và chính sách hỗ trợ ưu đãi hiện nay của Chính phủ.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng một môi trường thuận lợi và thu hút đầu tư để ngành này phát triển. Cụ thể, phải tăng mức giá bán áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng điện gió đồng thời đơn giản hóa thủ tục, quy trình áp dụng và triển khai hay như áp dụng biểu giá khuyến khích cho năng lượng sinh khối.
Thực tế, năng lượng tái tạo có khả năng điều chỉnh linh hoạt về quy mô, có thể điều chỉnh tăng quy mô cung cấp năng lượng tái tạo khi hòa lưới điện quốc gia. Do vậy, rất cần để hiện đại hóa lưới điện cũng như các nỗ lực để lưới điện có thể sẵn sàng kết nối với các nguồn cung năng lượng tái tạo quy mô lớn, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho các hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng cuối cùng.
Mới đây, Việt Nam cũng quyết định dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận và theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, người phát ngôn của Bộ Công Thương là để tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế hiện nay. Cụ thể, tình hình phát triển vĩ mô của Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới.
Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tới tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ các giải pháp thay thế cho Dự án trong giai đoạn tới. Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy tuabin khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6.000 MW để đủ năng lực bảo đảm sản lượng điện sản xuất tương đương với các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Tiếp theo, giai đoạn sau 2030, Chính phủ sẽ xem xét tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện than, khí thiên nhiên hóa lỏng và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, đẩy mạnh thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tái cơ cấu kinh tế hướng đến các ngành sản xuất xanh có công nghệ thân thiện, tiết kiệm năng lượng; tăng cường liên kết lưới điện và hợp tác mua bán điện với các nước láng giềng.
Để xem các tin bài khác về năng lượng sạch, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Phương Dung/ Dantri)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.