Sách trắng 2014 của phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) dự báo năm 2015 khi cộng đồng kinh tế Asean (AEC) thành lập ngành lắp ráp ô tô Việt Nam có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng 3% mỗi năm.
Dự báo năm 2013, thị trường ô tô của Việt Nam cũng chỉ bằng các mức năm 2007 (110.000 xe con và xe tải). Mặt khác, ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng 3% mỗi năm do cộng đồng kinh tế Asean (AEC) được thành lập vào năm 2015, khi đó các nhà lắp rắp trong nước phải đối mặt với tình hình cạnh tranh khốc liệt hơn.
Thậm chí, khi Asean sẽ miễn thuế đối với các loại ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên cũng như các quốc gia là thành viên của hiệp định hợp tác kinh tế như Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giúp các sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh về giá so với các sản phẩm lắp ráp trong nước. Cụ thể, từ năm 2014 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước Asean sẽ giảm còn 50%. Mức thuế nhập khẩu này sẽ được giảm hơn nữa xuống còn 35% vào năm 2015 và 20% từ năm 2016, 10% năm 2017 và được miễn hoàn toàn vào năm 2018.
EuroCham khuyến cáo, nếu không có biện pháp cho giai đoạn 2014-2018 thì việc cắt giảm thuế sẽ đe dọa ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam. Trước nguy cơ này, chính phủ nên thiết lập một lộ trình thuế ổn định và chính sách phát triển ngành rõ ràng trong dài hạn để phát triển bền vững cho thị trường ô tô lắp ráp trong nước cũng như thị trường kinh doanh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Ông Michael Behrens – trưởng nhóm các doanh nghiệp ôtô châu Âu tại Việt Nam – cho rằng, để các nhà lắp ráp trong nước phát triển, hay thậm chí là có thể tồn tại, nên hỗ trợ để sản xuất các loại ôtô có tỷ lệ nội địa hóa 40% để đủ điều kiện hướng chính sách thuế có lợi trong nội địa khối Asean.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng cho rằng, hiện thủ tục hành chính đang gây khó cho doanh nghiệp. Mặc dù đã có kiến nghị giảm bớt thủ tục hành chính, nhưng mới đây việc thêm yêu cầu nhà nhập khẩu phải nộp một bản sao hoàn chỉnh đối với mỗi hợp đồng chính thức cho từng chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc để thông quan là hết sức phức tạp.
Do đó, EuroCham khuyến nghị việc giảm thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giải tỏa áp lực cho cơ quan hải quan, giảm chi phí hoạt động. Cơ quan hải quan nên cho phép các nhà nhập khẩu đăng ký trong thời hạn một vài năm theo cách mà cục đăng kiểm thực hiện. Bên cạnh đó, nên bỏ quy định đăng kiểm với xe nhập khẩu đã có chứng chỉ Euro 2 và cao hơn để giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đồng thời, cho phép nhà nhập khẩu sử dụng bảo lãnh ngân hàng để thông quan và kiểm duyệt sản phẩm nhập khẩu mới.
(Nguồn: baocongthuong.com.vn)