Người tiêu dùng Việt Nam và ước mơ ô tô giá rẻ

Tháng Mười 21 15:00 2013

Theo lộ trình tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), từ nay đến năm 2018, mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc khu vực ASEAN sẽ giảm dần cho đến lúc chỉ còn 0%. Cụ thể trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 chỉ còn 0%. Như vậy, trong vòng năm năm nữa người tiêu dùng Việt Nam sẽ được thỏa mãn ước mơ dùng ô tô giá rẻ. Đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng nhưng lại là nỗi lo của ngành công nghiệp ô tô.

Nguoi tieu dung Viet Nam va uoc mo o to gia re_01

Trước sức ép giảm thuế của AFTA, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang “sốt vó” trong việc tìm phương cách đối phó. Nguồn: Internet

Lợi ích cho người dùng

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng tám cả nước đã nhập về 2.000 ô tô nguyên chiếc, trị giá 43 triệu USD. So với tháng trước, nhập khẩu ô tô tháng này giảm 33% về lượng và 20% về giá trị. Trung bình mỗi tháng duy trì 3.000 chiếc, tính chung tám tháng, nhập khẩu ô tô của cả nước đạt 22.000.

Đầu năm 2013 khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm thêm 10% (từ 70% xuống 60%) thì lượng ô tô nhập khẩu bị chững lại và tính đến tháng tám lượng nhập khẩu đã xuống mức thấp nhất từ đầu năm và là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Nếu đúng như lộ trình, khi năm 2018 mức thuế nhập khẩu ô tô về 0% thì dự báo một thị trường ô tô sôi động tại Việt Nam không còn xa. Thị trường ô tô sẽ đáp ứng được niềm mong đợi của người tiêu dùng. Với mức sống và thu nhập cũng dần được cải thiện và nâng, điều kiện hạ tầng giao thông được cải thiện. Dự báo nhu cầu ô tô của cả nước sau năm 2020 sẽ bùng nổ, năm 2025 khoảng 800.000 – 900.000 ngàn xe và năm 2030 khoảng 1,5 -1,8 triệu xe.

Thông tin về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô luôn được người tiêu dùng Việt Nam đón chờ hơn cả. Bởi từ lâu, người tiêu dùng trong nước đã trông chờ một tương lai họ sẽ được sở hữu những chiếc xế hộp giá rẻ đến từ nhiều hãng khác nhau, phù hợp với đồng lương, mức sống của hầu hết các cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, cùng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu, Bộ công thương cũng xây dựng phương án ưu đãi các nhà sản xuất trong nước bằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế trước bạ để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới mười chỗ được đề xuất giảm 50%, lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu cũng giảm 50%. Nếu phương án này đi vào hiện thực thì thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô dưới mười chỗ sẽ còn 22,5-30% và thuế đăng ký trước bạ sẽ còn 5-7%.

Nỗi lo cho doanh nghiệp sản xuất

Trước sức ép giảm thuế của AFTA, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang “sốt vó” trong việc tìm phương cách đối phó. So với mức thuế như hiện nay các doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ ở nội địa chứ chưa nói đến mức thuế liên tục giảm và về 0% năm 2018. Tuy nhiên, trước những nghiên cứu và điều chỉnh chính sách từ Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang nghe ngóng tình hình, chính sách của nhà nước trước khi đưa ra chiến lược cụ thể.

Tính đến năm 2012 cả nước có 56 doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô, tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng và đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất sản xuất lắp ráp khoảng 458.000 xe mỗi năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 18 doanh nghiệp chiếm khoảng 47%, và 38 doanh nghiệp trong nước chiếm 53%. Mỗi năm, ngành công nghiệp ô tô đóng góp bình quân hơn 1 tỷ USD tiền thuế cho ngân sách Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 80 nghìn lao động.

Một số kiến nghị được đưa ra cho các doanh nghiệp sản xuất đó là nhập khẩu ô tô về phân phối. Nếu giả thuyết này là thực tế, vậy về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, khó mà thực hiện được. Mục tiêu “Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam để đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới” theo Quyết định số 117/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xem ra ngành công nghiệp ô tô sẽ khó có chổ đứng.

Hiện ngành sản xuất ô tô trong nước mới dừng ở mức độ lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hoá đạt thấp, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) nhưng đến nay chủ yếu mới đạt bình quân khoảng 7- 10% đối với xe con (Thaco đạt 15-18%, Vinaxuki đạt khoảng 40%) và đến 35-40% đối với xe tải nhẹ (Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxuki đạt khoảng 50%). Mặc dù có cả sự góp mặt của nhiều ông lớn: Toyota, Ford, Nissan, Mercedes… cũng đã vào Việt Nam. Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ công nghiệp ô tô mặc dù đã hình thành, nhưng quá yếu kém. Mục tiêu Quy hoạch đặt ra tỷ lệ sản xuất trong nước đối với động cơ và hộp số là 50-90% vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa sản xuất được.

Khi đã hội nhập, chúng ta phải tuân thủ các quy tắc của việc hội nhập quốc tế, bởi vậy, các doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào các chính sách bảo hộ từ phía Nhà nước mà phải nỗ lực trong việc đổi mới sản xuất, đẩy mạnh đầu tư để đưa ra những dòng xe phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh, đặc biệt là tính toán và điều chỉnh giá cho phù hợp với thị trường, ưu tiên sử dụng lao động kỹ thuật và linh kiện phụ tùng của các nhà phân phối trong nước, Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cần chuẩn bị về nhân lực, vật lực.

Có như vậy, mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới có cơ hội để trở thành hiện thực. Bởi ngành công nghiệp ô tô vẫn được đánh giá rất có tiềm năng với các lợi thế như dân số lớn, trẻ, chi phí lao động thấp, nhân lực có trình độ, kỹ năng cao, bên cạnh đó nền kinh tế đang phát triển và tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người còn rất thấp.

Chính sách nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp

Mặc dù sau gần mười năm thực hiện việc quy hoạch, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như không có bước tiến như kỳ vọng, nhưng “Chính phủ vẫn quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô. Quan điểm về mục tiêu cũng không thay đổi, chúng ta muốn xây dựng một ngành công nghiệp ô tô thực sự chứ không phải ngành lắp ráp”, mục tiêu quy hoạch ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 tới đây sẽ không chỉnh sửa nhiều, nhất là các tiêu chí về tỷ lệ nội địa hóa.

Việc phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô được đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch mới với các con số: Đến năm 2015, phấn đấu cung ứng 20-25% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; Đến năm 2020 có khả năng cung ứng 40-45% linh kiện, phụ tùng (về giá trị); Từ 2021- 2030 đủ khả năng cung ứng 50-60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, đó là ý kiến của ông Dương Đình Giám tại buổi tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong xu thế hội nhập, được tổ chức cuối tháng tám.

Theo bản đề xuất mới thì thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ giảm về 50% vào 2014 và giữ nguyên mức này trong ba năm liên tiếp (2014 – 2017) thay vì giảm liên tục theo từng năm theo lộ trình, và đến 2018 mới giảm về 0%. Đồng thời tăng thuế suất thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện lên bằng thuế nhập khẩu đối với các loại xe không đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%. Đây là một trong những chính sách bảo hộ nhằm kéo giãn thời gian giảm thuế liên tục giúp các doanh nghiệp có thể chuẩn bị kỹ hơn, bên cạnh đó chú trọng phát triển nghành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Dự thảo cũng đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50-70% lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng. Doanh nghiệp sản xuất dòng xe chiến lược sẽ được ưu tiên hơn khi được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu 0% hoặc mức sàn đến năm 2018.

Bên cạnh chính sách cải cách để giảm thuế nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cũng nên tính toán tiết giảm chi phí để đưa giá thành sản xuất ô tô tương đương  với giá thành chung trong khu vực. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại chổ để giảm giá thành và chủ động trong sản xuất. Áp dụng chặt chẽ điều khoản các công ty liên doanh phải sử dụng linh kiện sản xuất trong nước, phụ tùng được sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ tăng dần.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam đang dẫm chân tại chỗ. Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ. Mục tiêu quy hoạch tỷ lệ sản xuất trong nước đối với động cơ và hộp số là 50- 90% vào năm 2010, tỷ lệ nội địa đặt ra đối với các loại xe thông dụng như xe tải, xe khách, xe con là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Cả nước có khoảng 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô nhưng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ sản xuất được một số ít loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, chi tiết bằng nhựa… và số ít doanh ngiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Như vậy, để người tiêu dùng được hưởng lợi từ những điều khoản khi tham gia AFTA, đưa ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trở thành công nghiệp mũi nhọn cần có những công cụ hữu hiệu để kích thích ngành công nghiệp này như chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng nhất quán và lâu dài. Nhìn một cách tổng quát ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đủ lớn và đặc biệt là sự thiếu đồng bộ về chủ trương, chính sách là nguyên nhân quan trọng khiến công nghiệp ô tô Việt Nam chậm phát triển.

(Nguồn tapchitaichinh.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: