Nguồn điện năng tiềm tàng từ rác thải

Tháng Tám 17 10:59 2013

Cuộc sống hiện đại của chúng ta sản sinh ra lượng rác thải tăng cao hơn bao giờ hết. Rác đang được nhận diện là một trong những nguy cơ đe dọa cao nhất đối với môi trường và cuộc sống của chúng ta trên trái đất. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có thể đây lại là một nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất ra năng lượng điện.

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, nếu không được thu giữ, khí mêtan tại các bãi chôn lấp chất thải sẽ trở thành khí nhà kính nhiều gấp 20 lần CO2 khi nó gia tăng trong khí quyển. Các bãi chôn lấp chất thải chiếm 25% tổng lượng khí mêtan phát thải có liên quan đến hoạt động của con người. Do đó, thu giữ khí mêtan tại các bãi chôn lấp cũ và đang hoạt động mang lại lợi ích toàn cầu, đồng thời là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng. Tại một số bãi chôn lấp chất thải, khí mêtan không được sử dụng để phát điện mà được đốt cháy để không phát thải vào khí quyển, nhưng lại gây lãng phí tiềm năng năng lượng.

Năng lượng từ  rác được chấp nhận và được chứng minh là sạch. Nó làm giảm khí CO2 và khí mêtan. Hiện nay, công nghệ chuyển rác thành điện có nhiều loại như: Thu hồi khí mêtan từ các bãi chôn rác đốt chạy tuabin phát điện, dùng kỹ thuật đốt sạch toàn bộ rác thải rắn, nhiệt phân rác thải bằng công nghệ plasma …

Nguon dien nang tiem tang tu rac thaiQuá trình khí hóa Plasma rác thải có tiềm năng tạo ra năng lượng nhiều hơn tổng năng lượng mong đợi từ mặt trời, gió

Thực tế, các máy phát điện bằng khí mêtan ở bãi chôn lấp chất thải đã có công suất 83 MW điện ở New Jersey, 80 MW ở New York và 6,1 MW ở Connecticut và sẽ còn có nhiều điện năng hơn được tạo ra theo phương pháp này. Công ty Waste Management, chuyên vận chuyển chất thải và quản lý bãi chôn lấp chất thải ở Hoa Kỳ đã đề ra kế hoạch 5 năm với giá trị 400 triệu USD để xây dựng các dự án phát điện từ khí mêtan tại 60 bãi chôn lấp chất thải trên toàn quốc. Công ty này đã thực hiện 1 dự án tại bãi chôn lấp ở New Milford.

Ứng dụng kỹ thuật đốt làm cho rác dạng rắn chuyển thành năng lượng nhiệt tạo ra luồng hơi làm quay các tuabine máy phát điện – rác – thành – điện – cho chúng ta kỹ thuật thay thế cho quy trình xử lý rác nhựa – đặc biệt là các loại rác nhựa không thể tái sinh thành nguyên vật liệu hay sản phẩm khác, ví dụ như rác thải y tế, bao bì thực phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân, và các các sản phẩm bao bì khác như bao bì kẹo mứt. Các nhà máy hiện đại tạo nguyên liệu từ rác phải được thiết kế phù hợp với hệ thống chống ô nhiễm của chính phủ và các bảo đảm môi trường khác để quản lý tình trạng thải các chất ô nhiễm ra môi trường và bảo đảm hoạt động an toàn khi nhà máy ở gần các trung tâm dân cư. Năng lượng thu nhận được từ việc đốt các loại rác ở nhiệt độ cao tạo nên năng lượng cho điện năng và nhiệt năng. Các nhà máy này thường được gọi là nhà máy “Điện từ Rác”. Hoa Kỳ có 121 nhà máy “điện từ rác” ở 29 bang, trong khi châu Âu có gần 400 nhà máy, và châu Á có hơn 300 nhà máy (Trung Quốc có 50 nhà máy – Nhật Bản là nước sử dụng công nghệ này nhiều nhất thế giới với công suất 40 triệu tấn rác/năm). Tại Việt Nam đã có dự án do Công ty Môi trường đô thị Hà Nội và công ty Hitachi Zosen từ Nhật Bản tại Sóc Sơn, Hà Nội. Tới năm 2014, nhà máy sẽ vận hành với công suất lò đốt chất thải công nghiệp là 75 tấn/ngày, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất là 1.930 kW.

Công nghệ mới plasma có nguồn gốc từ NASA, được các công ty công nghệ cao nổi tiếng của Mỹ như General Electric, Westinghouse, Alter NRG… ứng dụng, chế tạo thiết bị. Ứng dụng công nghệ Plasma là thực hiện một quá trình sử dụng điện để tạo ra cung hồ quang ở nhiệt độ cực cao (7.000 – 9.000 độ C) nhằm biến các loại chất thải thành khí phân tử, nguyên tố (gọi là khí tổng hợp), hơi nước và chất xỉ bằng các thiết bị đặc biệt, gọi là thiết bị chuyển đổi Plasma.

Nhiệt phân rác thải thành điện năng bằng công nghệ Plasma đã có dự án do Công ty Trisun Energy Pty (Australia) và Công ty TNHH Kiên Giang Composit (Việt Nam) thực hiện tại TP HCM.

Với công nghệ này, 1 tấn chất thải rắn có thể sản xuất được 815 kWh điện, đây là nguồn năng lượng sạch với môi trường nhờ không sinh khí thải và khí gây hiệu ứng nhà kính, không làm ô nhiễm nguồn nước và còn tạo ra một loại vật liệu (như đá xốp) dùng làm vật liệu bảo ôn, vật liệu lọc nước thải, khí thải. Không chỉ khí hóa rác thải, công nghệ Plasma còn khí hóa được tất cả nhiên liệu khác, điều này cho phép sử dụng được các loại than kém chất lượng, dầu thải… một cách hiệu quả.

(Nguồn: cpc.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin