Nước Nhật đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới với chi phí dự kiến khoảng 90 tỷ USD.
Nhật Bản đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc nối liền Tokyo với trung tâm kinh tế Osaka. Tuyến đường sắt mới sẽ giảm một nửa thời gian đi lại giữa hai địa điểm so với hơn hai tiếng hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản cần thay mới hoàn toàn hệ thống đường sắt với chi phí dự kiến khoảng 90 tỷ USD.
Nếu trở thành hiện thực, tuyến đường Tokyo – Osaka sẽ trở thành đường sắt cao tốc đệm từ xuyên tỉnh đầu tiên trên thế giới. Các tàu hoạt động trên hệ thống này hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp với đường ray. Lực từ sẽ khiến đoàn tàu lơ lửng trong không khí, giảm tối đa ma sát giữa nó và đường ray.
Một mẫu tàu đệm từ của Nhật Bản
Công nghệ đệm từ mang tên “Maglev” giúp đoàn tàu lướt trên đường ray với vận tốc 500 km/h hoặc nhanh hơn. Vận tốc này bằng một nửa tốc độ di chuyển của các loại máy bay chở khách. Nó nhanh hơn 200 km/h so với loại tàu cao tốc chạy nhanh nhất thế giới.
Giáo sư Hiroo Ichikawa của Đại học Meiji ở Tokyo nhận định: “Các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc, đều có thể xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc của riêng họ. Nhật Bản cần cho thế giới thấy vai trò dẫn đầu của mình với sự ra mắt của một loại tàu mới với những khả năng vượt trội”.
Dự án tàu đệm từ có thể là trọng tâm đầu tư mà chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi. Nhiều khả năng, Tokyo sẽ khởi công xây dựng tuyến đường này trong đầu năm 2015. Ông Abe nhận định, tàu cao tốc đệm từ có thể là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản trong tương lai gần. Ông cũng giới thiệu công nghệ này tới tổng thống Mỹ Barack Obama để giảm thời gian đi từ New York tới Washington xuống còn một giờ.
Tuy nhiên, nhiều người Nhật Bản không đồng tình với thủ tướng Abe. Họ cho rằng công trình tàu điện đệm từ không mang lại hiệu quả lâu dài như mong đợi. Các số liệu thống kê cho thấy dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 127 triệu người xuống 100 triệu người trong nửa đầu thế kỷ 21. Nó khiến lượng khách của hệ thống này giảm sút.
Ngoài ra, người ta cũng lo ngại quá trình xây dựng hệ thống đường sắt xuyên lòng núi để lại hàng triệu mét khối đất đá, đe dọa trực tiếp tới môi trường. Bà Kimie Asaka, nhà hoạt động 64 tuổi, cho biết: “Quá trình xây dựng cần được coi là thảm họa môi trường lớn nhất hay dự án phá hủy cuộc sống nghiêm trọng nhất sau chiến tranh”.
(Nguồn: giaothongvantai.com.vn)