Hệ thống cần trục phòng máy thường được sử dụng trong công việc di chuyển các bộ phận, máy móc với trọng lượng lớn. Do đó, nếu không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, hệ thống cần trục có thể gặp vấn đề trong lúc vận hành, gây nguy hiểm và thiệt hại về người cũng như tài sản.
Sau đây, mời Quý độc giả tham khảo một vài điều quan trọng cần chú ý trong công việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cần trục phòng máy tàu thủy.
1. Kiểm tra hằng ngày Hằng ngày, trước khi sử dụng hệ thống cần trục phòng máy, ta nên kiểm tra nhanh những nội dung sau: – Bộ phận bôi trơn – Độ ồn khi vận hành không tải – Độ tỏa nhiệt – Khu vực tiếp xúc với các thiết bị điện – Bộ phận phanh hãm – Tình trạng kẹp của móc
Số tải trọng tối đa thường được in trên cần trục
2. Theo sát kế hoạch bảo dưỡng Chương trình bảo dưỡng, thay mới các chi tiết, bộ phận nên được thực hiện đúng kế hoạch: – Tu bổ động cơ – Tra mỡ vào dây cáp – Thay mới dây – Kiểm tra tải – Kiểm tra khảo sát hằng năm
Hệ thống cần trục phòng máy phải hoạt động trong không gian hẹp, dễ gặp sự cố nếu không được bảo dưỡng thường xuyên
3. Đảm bảo độ bôi trơn Trong một hệ thống cần trục phòng máy có hai cơ chế bôi trơn.
– Bôi trơn bằng mỡ: dây cáp, trục lăn, bạc đạn trượt được tra mỡ để vận hành trơn tru. Tiến hành tra mỡ cho các bộ phận mỗi 2.000 giờ làm việc hoặc theo quy định của nhà sản xuất. Phải đảm bảo không tra mỡ quá ít hoặc quá nhiều, do có thể gây tỏa nhiệt cục bộ, hư hỏng hệ thống.
– Bôi trơn bằng dầu bôi trơn: bạc đạn bi, bạc đạn đũa của bộ phận cẩu và hệ thống bánh răng được bôi trơn bằng dầu. Kiểm tra mức dầu thường xuyên và cấp thêm nếu dầu dưới mức cho phép. Tình trạng của dầu bôi trơn cũng cần được chú ý. Nếu dầu bẩn, có cặn hoặc bọt, không đạt yêu cầu phải loại bỏ và thay thế dầu mới đạt tiêu chuẩn.
Hình ảnh một hệ thống cần trục được dựng 3D trên máy tính
4. Kiểm tra dây cáp Dây cáp là bộ phận chính của hệ thống, có nhiệm vụ nâng hạ, di chuyển vật nặng khắp phòng máy. Do đó, việc kiểm tra bảo dưỡng dây cáp nên được thực hiện một cách cẩn thận: – Quấn dây cáp đúng chiều nhằm giảm tối đa tình trạng xoắn dây – Bôi trơn dây cáp thường xuyên để giảm ma sát và ngăn chặn sự ăn mòn – Lưu ý, trước khi tra mỡ, ta nên lau sạch dây cáp để loại bỏ bụi bẩn
Các trường hợp thay mới dây cáp: – Khi đường kính dây giảm 7% – Khi ta đếm được 15 đường gãy, nứt trên dây trong độ dài bằng sáu lần đường kính dây – Khi ta đếm được 30 đường gãy, nứt trên dây trong độ dài bằng 60 lần đường kính dây – Khi hiện tượng xoắn dây làm biến dạng vĩnh viễn đoạn dây – Khi chiều dài dây bị giảm – Khi dây cáp bị gỉ hoặc ăn mòn
(Theo Marine Insight)