CHLB Đức – Khi được giới thiệu lần đầu tiên, nhiều người nước ngoài như chúng ta cho rằng hệ thống xử lý rác khó hiểu của CHLB Đức chỉ là một sự phức tạp và không cần thiết đối với công việc gia đình mà phần lớn là đơn giản. Nhưng nhiều người Đức sẽ không đồng ý với suy nghĩa đó của bạn!
Trên thực tế, hệ thống xử lý rác của CHLB Đức còn là niềm tự hào dân tộc của người dân bản địa.
Lúc đầu, những người mới đến từ nước ngoài rất khó phân loại rác ở Đức một cách chính xác. Nhưng các bạn đừng lo, hệ thống phân loại chất thải “khét tiếng” này phức tạp đến mức đôi khi chính người Đức cũng không thể hoàn toàn thông thạo với nó.
Dưới đây là một số thông tin để giải thích về cách thức hoạt động của hệ thống xử lý rác tại CHLB Đức. Một số thông tin quan trọng đầu tiên
The Green Dot (tiếng Đức gọi là Der Grüne Punkt), hệ thống kép của Đức về thu gom và phân loại chất thải được giới thiệu vào năm 1991. Mục tiêu của hệ thống kép này là giữ cho rác tái chế càng lâu càng tốt, trong một chu kỳ kinh tế bằng cách tái chế chất lượng cao. Không có gì ngạc nhiên khi Đức tự hào có tỷ lệ tái chế rác thải cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ tái chế rác thải đô thị đã tăng từ 56% năm 2002, lên 67% năm 2016. Mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế rác thải đô thị đạt được nhanh đến nỗi Đức đã đạt được mục tiêu cho năm 2020 từ 4 năm trước đó.
Thành công trong quản lý chất thải của CHLB Đức thực sự đến từ hai yếu tố:
Thứ nhất, những chính sách mạnh mẽ của chính phủ. Và thứ hai, công dân Đức là những người hợp tác với những chính sách của chính phủ và chấp nhận tái chế rác hoàn toàn ngay từ đầu.
Đó là lý do tại sao cộng đồng người nước ngoài tại CHLB Đức cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng; khi sinh sống và làm việc tại nước sở tại (CHLB Đức) thì họ cũng luôn phải giữ gìn cho cộng đồng sự sạch sẽ và xanh nhất có thể.
Và bây giờ chúng ta bắt đầu tìm hiểu sâu hơn các chi tiết của vấn đề.
Tổng quan về Hệ thống quản lý chất thải của CHLB Đức
Không giống như ở hầu hết các quốc gia khác, tại các khu vực và thành phố ở Đức luôn có thùng rác và thùng tái chế, ở Đức có nhiều thùng rác tái chế có mã màu để hướng dẫn người dân tự phân loại rác tại gia đình. Đây chính là nơi mà sử hiệu quả “khét tiếng” của Đức thực sự tỏa sáng!
Nói một cách ngắn gọn, tái chế bắt đầu ở nhà!
Bằng cách phân loại trước đồ tái chế tại từng gia đình, chính phủ Đức tiết kiệm được một lượng đáng kể tiền bạc, tài nguyên và thời gian. Quá trình này cũng làm giảm lượng nhiễm bẩn* có thể làm hỏng toàn bộ lô nguyên liệu tái chế. Những thành tích này chắc chắn không thể đạt được trong một sớm một chiều.
* Tức là loại rác này có thể bị nhiễm bẩn với các loại rác khác, nếu chúng không được phân loại ngay từ đầu.
Theo thời gian, nó đã trở thành một thói quen không thể tách rời trong các hộ gia đình tại Đức và thực tế là một vấn đề đáng tự hào ngày nay của họ.
Phân loại rác có thể không dễ dàng đối với những người mới đến từ nước ngoài. Vì vậy, đừng sốc nếu một ngày người hàng xóm người Đức tốt bụng của bạn đột nhiên dạy bạn kỹ năng phân loại rác của bạn, khi bạn sinh sống hay làm việc tại đây. Hãy xem nó như một bài học và học hỏi từ các chuyên gia. Việc đó tốt cho chúng ta hiện tại cũng như trong tương lai!
Hệ thống xử lý rác của Đức hoạt động như thế nào?
Vòng lặp lớn về quản lý chất thải của Đức bắt đầu từ nhà bạn. Bạn phân loại rác sinh hoạt khi nó phát sinh, và sau đó đổ rác vào các thùng có màu sắc khác nhau ở phía trước hoặc sau nhà của bạn. Và nó được đơn vị thu gom rác của thành phố thu thập mỗi tuần.
Lịch thu gom rác
Các thùng rác được thu gom vào các ngày khác nhau ở các thành phố ở Đức. Lịch trình đón này được in trong lịch đặc biệt (tiếng Đức là Abfallkalender). Bạn có thể tìm thấy lịch trình này ở lối vào căn hộ của bạn tại Đức. Nếu thắc mắc về vấn đề này thì bạn có thể hỏi hàng xóm hoặc chủ căn hộ của bạn để biết thêm thông tin.
Bạn phải đặt các thùng trước cửa nhà vào buổi tối trước ngày thu gom, để người/xe thu gom có thể đổ thùng vào sáng hôm sau.
Nghe chúng có vẻ rất phức tạp trong thời gian đầu khi bạn sinh sống tại Đức. Tuy nhiên, với một chút tập trung, bạn sẽ quen với nó. Và trước khi nhận ra điều này, bạn sẽ thấy mình đang xé nhựa trong từ bao bì carton bỏ đi và bỏ chúng vào hai thùng rác khác nhau.
Vì vậy, bây giờ chúng ta hãy xem xét các mã màu thùng rác ở Đức.
Màu sắc là chìa khóa
Các thùng rác có mã màu; xanh lá cây, xanh lam, vàng, nâu và xám/ đen. Bạn có thể nhận thấy rằng màu sắc của thùng rác có thể khác nhau. Vì vậy, màu sắc của thùng rác là chìa khóa của vấn đề.
Ở hầu hết các thành phố lớn đến trung bình tại Đức, có bốn thùng khác nhau ở hầu hết các sân sau hoặc phía trước nhà. Ở nông thôn, bạn có thể phải lái xe đến nhà máy tái chế để tìm những thùng rác này. Chỉ một số loại chất thải nhất định mới có thể được ném vào mỗi thùng:
Thùng hoặc túi màu vàng (bao bì nhẹ)
Bao bì sản phẩm trọng lượng nhẹ, tức là tất cả bao bì không làm bằng thủy tinh hoặc giấy đều được đựng trong thùng hoặc túi màu vàng. Chúng bao gồm: – Bao bì nhựa (như hũ sữa chua), – Gói/ bao bì Tetra (hộp giấy đựng sữa hoặc nước trái cây), – Bao bì bằng nhựa ở phía trước và bìa cứng ở phía sau, – Bình xịt (dẻo rỗng hoặc keo xịt tóc), – Hộp nhựa và hộp thiếc, – Nắp chai (thủy tinh), – Polystyrene, – Màng và túi nhựa, – Bao bì thức ăn cho thú cưng
Trong trường hợp không có thùng rác màu vàng ở khu vực nhà của bạn tại Đức, bạn phải cho rác thải nhựa vào túi nhựa màu vàng (túi Gelb). Chiếc túi này sau đó được đặt bên ngoài cửa nhà để thu gom vào những thời điểm đã định. Những chiếc túi này được cung cấp miễn phí tại Rathaus (Tòa thị chính) địa phương.
Nên ghi nhớ: Đừng bỏ rác thải không thể tái chế vào túi màu vàng! Đôi khi chúng được kiểm tra bởi những người thu gom rác. Nếu có gì đó không ổn trong các bao/ thùng rác, các bao này sẽ được trả lại chủ nhân của nó để xử lý với một nhãn dán lớn trên đó. Vì vậy, hãy phân loại rác đúng cách và tránh được các ánh mắt thiếu thiện cảm của cư dân tại khu phố dành cho bạn!
Để tìm hiểu về việc tái chế rác thải nhựa tại CHLB Đức, vui lòng xem tại đây
Thùng màu xanh lá cây hoặc màu xanh lam (tiếng Đức là Papiermüll)
Tất cả các bao bì bằng giấy và bìa cứng, báo, tạp chí, giấy vụn, túi giấy, hộp bánh pizza, v.v. đều được đựng trong thùng màu xanh. Nếu bao bì của bạn bao gồm các bộ phận bằng giấy và nhựa, hãy chỉ vứt giấy hoặc thùng carton của bao bì chứ không phải giấy gói nhựa bên trong hộp vào thùng màu xanh lá.
Đừng nhầm lẫn nước trái cây và hộp sữa/ bao bì Tetra là rác thải giấy. Chúng sẽ bỏ trong bao/ thùng màu vàng. Nếu bạn không nhìn thấy thùng màu xanh ở tòa nhà của mình, bạn sẽ tìm thấy thùng rác màu xanh xung quanh khu phố của bạn.
Nên ghi nhớ: Làm phẳng các hộp carton trước khi cho vào thùng. Bằng cách này, thùng rác sẽ không bị đầy quá nhanh.
Thùng màu nâu – Chất thải sinh học (tiếng Đức là Bioabfall)
Đây là tất cả rác nhà bếp và vườn, chúng có thể phân hủy được. Bao gồm vỏ rau, cũ và trái cây, rau, xà lách, vỏ trứng, thức ăn thừa, xương nhỏ, xương cá, thịt thừa, bánh mì và bánh ngọt, cà phê, túi trà, thực phẩm ôi thiu (không đóng gói)…
Nếu bạn may mắn sở hữu một ngôi nhà có vườn, thì bạn có thể đổ tất cả những thứ này vào làm phân sinh học bón cho cây trồng. Rác sinh học chiếm gần một nửa tổng số rác được thải ra ở Đức.
Thùng màu đen hoặc xám (tiếng Đức là Restmüll)
Đây là nơi phần còn lại của chất thải sẽ được đốt. Rác không thuộc bất kỳ loại nào kể trên có thể được vứt bỏ trong các thùng màu xám. Tro, tàn thuốc, các đồ vật không mong muốn trong nhà như bàn chải tóc hoặc chảo rán, đồ sứ, hàng dệt và vớ nylon, tã / bỉm, khăn giấy, các đồ dùng vệ sinh cá nhân và phụ nữ khác, giấy cực bẩn, túi đựng máy hút bụi, và các loại khác.
Nên ghi nhớ: Nếu nhà bạn không có thùng màu nâu riêng và cũng không muốn làm phân sinh học của riêng mình, bạn được phép vứt chất thải sinh học vào thùng màu xám.
Chất thải thủy tinh (tiếng Đức là Behälterglas)
Tất cả những chai thủy tinh rỗng sẽ được bỏ vào đây.
Chất thải thủy tinh tại Đức cũng được phân loại theo màu sắc. Các thùng rác lớn đựng chai thủy tinh có các khe khác nhau để bỏ các chai thủy tinh theo màu, như màu xanh lá cây, nâu và trong. Bạn sẽ thấy những chiếc thùng này nằm rải rác khắp mọi khu phố hoặc gần các siêu thị như Edeka, Rewe hay Kaufland. Các rác thủy tinh này bao gồm chai rượu vang, lọ đựng mứt / bảo quản, chai dầu, chai nước trái cây và thậm chí cả chai muối tắm. Gốm sứ, sành sứ, gương và nút chai rượu không thuộc loại rác nằm trong những thùng này.
Trước khi bỏ các chai vào thùng rác thủy tinh, hãy kiểm tra chúng để tìm ký hiệu “Mehrweg” hoặc “Pfand”. Nếu bạn nhìn thấy chúng, thì bạn có thể mang nó trở lại một cửa hàng như Edeka hoặc Lidl và nhận được một khoản tiền hoàn lại cho các chai lọ này. Hầu hết các chai bia có thể được trả lại cho một máy thu gom tại bất kỳ siêu thị lớn nào bằng máy thu gom tự động.
Nên ghi nhớ: Đảm bảo rằng bạn không vứt bỏ chai lọ trong thời gian yên tĩnh quy định tại Đức (tiếng Đức là Ruhezeit). Chủ nhật hoặc buổi tối muộn không phải là thời gian được khuyến khích để bỏ những chai lọ vào các thùng rác này, trừ khi bạn muốn những người Đức gần khu vực đó “nhìn chằm chằm” vào bạn!
Phần còn lại của rác thải
Cuối cùng, bây giờ chúng ta chỉ còn lại “phần còn lại”, tức là những thứ không thuộc về bất kỳ thùng rác nào ở trên. Hệ thống xử lý rác của Đức cũng có kế hoạch xử lý những loại rác “ngoài danh mục” này!
Các mặt hàng như pin và axit, đồ hộp có sơn còn sót lại, chất pha loãng, chất kết dính, chất ăn mòn, đèn huỳnh quang, chất khử trùng, thuốc diệt côn trùng, v.v. phải được xử lý như chất thải nguy hại.
Bạn sẽ nhận được thông báo từ hội đồng địa phương về thời gian và địa điểm xe tải thu gom loại chất thải nguy hại này sẽ đến khu vực của bạn. Bạn cần mang những loại rác nguy hại của mình đến cho họ để họ xử lý theo các phương pháp thích hợp.
Nên ghi nhớ: Không được bỏ chất thải nguy hại này vào thùng màu đen/ xám (thùng Restmüll). Nếu không, nó sẽ bị thiêu hủy cùng với phần còn lại của thùng rác “xám/ đen” và tạo ra khí cực độc. Nó không tốt cho sức khỏe của tất cả chúng ta và môi trường xung quanh!
Bỏ rác thải điện của bạn ở đâu?
Thiết bị điện và điện tử (Electrical and electronic equipment/ EEE) không bao giờ được vứt bỏ cùng với rác thải sinh hoạt ở Đức. Chất thải EEE chứa một số chất độc hại, nếu tiếp xúc, có thể gây ra tác động bất lợi đến môi trường, động vật hoang dã địa phương và sức khỏe con người.
Vậy làm thế nào để bạn xác định được những sản phẩm không nên vứt bỏ cùng với rác thải sinh hoạt? Hãy chú ý với biểu tượng này:
Nếu bạn muốn vứt bỏ thiết bị điện hoặc điện tử để tái chế, chúng tôi khuyên bạn nên:
– Nếu các món đồ vẫn còn hoạt động (và bạn chỉ muốn loại bỏ chúng), Hãy quyên góp chúng cho một cửa hàng đồ cũ địa phương hoặc một tổ chức từ thiện. Ở Đức, chúng được gọi là Sozialkaufhäuser hoặc Gebrauchtwarenhof.
– Nếu chúng không thể sửa chữa và không hoạt động, hãy mang nó đến điểm thu gom tái chế địa phương do chính quyền địa phương của bạn điều hành. Bạn muốn tìm một Recyclinghof hoặc Wertstoffhof. Một số thành phố còn gọi chúng là Abfallwirtschaftshof hoặc Sortierschleife.
– Nếu các sản phẩm EEE nhỏ hơn như bộ điều hợp hoặc pin gia dụng cũng có thể được bỏ vào thùng EEE đặc biệt tại các cửa hàng tạp hóa địa phương của bạn như Lidl, DM, Rewe, vv.
Còn chất thải của vật nuôi của bạn thì sao?
Tôi không thể tìm thấy bất kỳ thông tin chính thức nào về cách vứt bỏ phân vật nuôi đúng cách ở Đức. Để tìm hiểu thêm về điều này, tôi đã xem qua các diễn đàn Đức khác nhau liên quan đến vật nuôi để tìm câu trả lời.
Tuy nhiên, bạn có thể bỏ các chất thải này vào thùng đen/ xám (thùng Restmülle). Nếu bạn không có Restmülle, thì Biomülle cũng được chấp nhận (không có túi nhựa).
Nếu bạn có khả năng chịu đựng được mùi hôi của chúng, thì hãy bỏ nó vào bồn ủ phân sinh học.
Còn cây thông Noel đáng yêu của bạn?
Nếu bạn mua một cây thông Noel thật, đó không phải là vấn đề lớn với việc có một cây thông Noel ở Đức.
Vấn đề thực sự đến với bạn sau đó. Một khi Giáng sinh đến và đi, bạn phải loại bỏ đi cái cây đẹp đẽ của bạn một thời của mình. Nhưng bằng cách nào? Bạn không thể ném cây vào thùng của mình ở Đức.
Có hai cách để vứt bỏ cây thông Noel của bạn ở Đức:
Ngày thu gom cây thông Noel của cộng đồng bởi chính quyền địa phương của bạn. Ngày này thường được chỉ định trong Abfallkalender đã đề cập ở trên của thị trấn của bạn. Bạn nên nhớ đặt cây thông Noel trên vỉa hè trước cửa nhà. Đây là dịch vụ miễn phí của thành phố.
Hoặc chính bạn bỏ nó tại khu xử lý cây thông Noel của địa phương. Bạn cũng có thể gửi nó tại Wertstoffhof hoặc Kompostwerke địa phương. Tuy nhiên, trước khi bỏ cây, hãy kiểm tra với họ xem bạn đã đến đúng nơi chưa.
Ngoài ra còn có một tùy chọn thứ ba! Nếu cây thông Noel của bạn là 100% hữu cơ, thì bạn cũng có thể tặng nó cho một trang trại hoặc sở thú địa phương. Một số động vật như ngựa, voi hoặc lạc đà thích chơi đùa và gặm lá từ những cây thông này.
Kết luận
Tác giả của bài viết này là người nước ngoài đã sinh sống tại Đức 15 năm. Cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết về quản lý chất thải dưới bất kỳ hình thức nào. Những có những thông tin và các vấn đề liên quan thực sự đáng để tự giáo dục bản thân và học hỏi về hệ thống phân loại rác siêu cấu trúc và hiệu quả này tại Đức.
CHLB Đức có thể tự hào về mình vì đã nêu ra một tấm gương tuyệt vời về việc thực hiện một chương trình quản lý chất thải hiệu quả với các nước trên thế giới. Việc có chính sách của chính phủ là một việc; nhưng lại là một điều hoàn toàn khác khi công dân chủ động đến tham gia và cộng tác để vòng lặp tái chế rác thải này thành công. Vì vậy, đây là những thông tin hữu ích cho chúng ta, những người nước ngoài về cách phân loại rác ở Đức! Hay các nhà nghiên cứu, các nhà phát triển chính sách, các nhà kinh doanh, chính quyền các đô thị lớn, thậm chí là giới chức chính phủ các nước … quan tâm và tìm hiểu những mô hình thành công của vấn đề quan trọng và cấp thiết này.
Để xem các bài liên quan về “Xử lý rác thải”, vui lòng nhấn vào đây.
(Nguồn: Yamini/ German Garbage Disposal)