Blockchain sẽ mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như theo dõi xuất xứ hàng hóa, xuất nhập khẩu, ngân hàng…
Chia sẻ với VnExpress về tiềm năng ứng dụng blockchain cụ thể tại Việt Nam, CEO Vương Quang Long của startup phát triển blockchain TomoChain cho biết: “Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực cụ thể như y tế (quản lý hồ sơ bệnh án), quản lý dữ liệu công dân, chuỗi cung ứng sản phẩm, nông nghiệp (truy xuất nguồn gốc thực phẩm), phát hành cổ phiếu, giao dịch chuyển tiền…”
Theo các chuyên gia, blockchain là công nghệ tiên tiến cho phép truyền tải dữ liệu an toàn dựa vào cơ chế mã hóa phức tạp, bằng cách sử dụng nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi một trung gian được tin tưởng giống như các hệ thống khác. Các thông tin lưu trữ trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ có thể bổ sung thêm dưới sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống.
Với các đặc tính lưu trữ thông tin và chạy hợp đồng thông minh, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như kế toán, xuất nhập khẩu hàng hóa, theo dõi xuất xứ sản phẩm, bán lẻ, ngân hàng, bình chọn…
“Hàng năm, doanh nghiệp phải chịu chi phí không nhỏ cho việc kiểm toán nội bộ các dữ liệu của bộ phận kế toán để ngăn chặn việc số sách bị sửa đổi trái phép. Đưa các dữ liệu đó lên blockchain, vấn đề sẽ được giải quyết”, ông Đinh Thế Phùng, người sáng lập Crypto Việt Group cho biết.
Đối với bài toàn trong ngành logistic, theo dõi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ví dụ, một kiện hàng được vận chuyển từ thủ đô Amsterdam, Hà Lan về Hà Nội. Khi hàng xuất cảng, thông tin đó được đưa lên blockchain và hợp đồng thông minh tự trả một phần tiền cho bên logistic theo thỏa thuận trước. Khi hàng về đến cảng Hải Phòng, hợp đồng thông minh tiếp tục thanh toán phần tiền tiếp theo. Và khi hàng về tới Hà Nội, việc chi trả khoản tiền cuối cùng được hoàn tất. Trên hết, lịch trình vận chuyển của kiện hàng này được lưu trữ vĩnh viễn trên blockchain, khách hàng có thể tự tra cứu để xác minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
“Trong ngành ngân hàng, thay vì các đồng tiền riêng hay cổ phiếu nội bộ với những đặc điểm khác biệt, blockchain hứa hẹn mang lại một nền tài chính – ngân hàng toàn cầu xuyên suốt và thuận lợi hơn với công cụ thanh toán chung, có khả năng chuyển đổi linh hoạt và hiệu quả. Công cụ thanh toán chung Ripple (XRP) đang được thử nghiệm tại một số ngân hàng châu Âu là một ví dụ”, ông Trần Quốc Tuấn, Thạc sỹ Khoa học máy tính, cố vấn trường Đại học trực tuyến FUNiX cho biết.
Trước đó, tháng 11/2017, Napas giới thiệu mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain trong dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới, báo cáo về việc thử nghiệm mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch. Điều này mở ra khả năng hợp tác cho phép hỗ trợ việc chuyển tiền giữa các ngân hàng tại Singapore và các ngân hàng tại Việt Nam an toàn, tin cậy và nhanh chóng so với các hệ thống hiện tại.
Giải quyết bài toán xuất nhập khẩu nông sản, startup Binkabi ứng dụng công nghệ blockchain để xử lý các vấn đề trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại các nước đang phát triển, cụ thể là các trở ngại trong việc xuất nhập khẩu nông sản, hàng hoá.
“Khi nói đến blockchain và tiền mã hóa, mọi người thường đánh đồng hai khái niệm này với nhau. Blockchain là công nghệ tạo ra tiền mã hóa, nhưng bản thân công nghệ này không phải là tiền mã hóa. Công nghệ blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà nước rất nên khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain bởi Việt Nam hiện có thị trường blockchain sôi động trong khu vực. Đây là cơ hội để nước ta đi đầu trong lĩnh vực công nghệ blockchain theo định hướng phát triển nền kinh tế tri thức”, ông Quân Lê, Nhà sáng lập và CEO Binkabi nhận định.
Để xem các tin bài khác về khởi nghiệp, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Thùy Linh/ VnExpress,)
Comment:*
Nickname*
E-mail*
Website
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.