Tàu đổ bộ USS San Antonio Tàu đổ bộ USS San Antonio được xem là sở hữu thiết kế giúp nó có khả năng sống sót cao nhất trong số các tàu đổ bộ thuộc biên chế hải quân Mỹ.
Tàu đổ bộ Somerset lớp San Antonio
USS San Antonio được kết hợp các công nghệ đóng tàu đổ bộ và công nghệ tác chiến nhằm hỗ trợ hoạt động của các máy bay và xuồng đổ bộ.
Ngoài việc có thể mang theo tối đa bốn trực thăng, tàu còn có thể chở được 800 lính thủy đánh bộ, hai tàu đổ bộ đệm khí LCAC hoặc một tàu đổ bộ đa năng LCU. Thêm vào đó, con tàu này còn mang theo được các xe tăng M1A2, 14 xe bọc thép viễn chinh.
Bốn máy bay trực thăng vận tải CH-46 Sea Knight trên boong tàu có thể được thay thế bằng hai chiếc máy bay vận tải cánh quạt V-22 Osprey với khả năng cất hạ cánh cùng lúc.
USS San Antonio cũng được trang bị nhiều loại vũ khí tiên tiến như: hai pháo hạm cận chiến Mk44 Bushmaster II cỡ 30mm và hai hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 Rolling…
Hải quân Mỹ hiện sở hữu tới tám tàu đổ bộ lớp San Antonio.
Tàu đổ bộ tấn công USS America LHA-6 là tàu đổ bộ – tấn công đầu tiên thuộc lớp America của Mỹ, gia nhập lực lượng Hải quân ngày 01/04/2014 với mục đích thay thế dần các tàu đổ bộ đa năng lớp Tarawa và Wasp chuẩn bị ngừng hoạt động.
Tàu đổ bộ USS America
Với thiết kế cơ sở dựa trên mẫu tàu LHD-8 USS Makin Island, LHA-6 lớp America có thể thực hiện đa dạng các nhiệm vụ trên biển, kể cả tìm kiếm – cứu hộ – cứu nạn.
Cụ thể, tàu tấn công đổ bộ USS America có chiều dài 281m; rộng 35m; lượng mớn nước 7,9m; lượng giãn nước đạt 50.000 tấn.
Thiết kế của USS America mang nhiều điểm mới như: mặt boong tàu và không gian hầm ngầm chứa máy bay và nhiên liệu được mở rộng đáng kể (lượng dự trữ nhiên liệu lên đến 3.400 tấn), nhiều loại vũ khí mới cũng được trang bị.
USS America sẽ song hành cùng trực thăng MV-22 Osprey và tiêm kích tàng hình F-35
Với tư duy chiến thuật hướng trọng tâm về khả năng đổ bộ đường không, USS America không có khoang đổ bộ ngập nước truyền thống như các tàu thế hệ trước. Ngoài ra, thay vì sử dụng turbin hơi nước cồng kềnh, tàu đổ bộ mới của Mỹ cũng đã sử dụng turbin khí tiện lợi và cho hiệu quả cao hơn bao gồm: hai động cơ turbin khí 70.000 mã lực và hai động cơ đẩy phụ trợ 5.000 mã lực. Biên chế của tàu gồm 65 sĩ quan, 994 thủy thủ và có thể mang theo 1.687 lính thủy đánh bộ.
Người đại diện hãng Northrop Grumman – nhà thầu chính của chương trình phát triển LHA-6 (USS America) cho biết, loại tàu đổ bộ đa năng này có thể khởi động chỉ bằng một nút bấm, và trong vài phút có thể tăng tốc lên vài chục dặm Anh. Nhờ đó mà Hải quân Mỹ sẽ sử dụng nó để xử lý các sự cố bất ngờ ở nước ngoài.
Theo Northrop Grumman, tàu tấn công đổ bộ lớp America đầu tiên được trang bị hai bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, hai bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, hai hệ thống CIWS Phalanx và bảy súng máy 12,7mm nòng kép…
Tàu có thể mang theo khoảng 38 mẫu máy bay khác nhau. Nhưng có vẻ như USS America sẽ song hành cùng các tiêm kích tàng hình F-35B và trực thăng đổ bộ MV-22 Osprey.
Thay vì hạ thủy trong năm 2010 như kế hoạch ban đầu, tàu LHA-6 lớp America được hạ thủy vào ngày 05/06/2012 do tồn tại một số vướng mắc liên quan tới tài chính.
Tàu đổ bộ tấn công USS Essex Tàu đổ bộ tấn công lưỡng thể USS Essex (LHD-2) lớp Wasp của Hải quân Mỹ là tàu đổ bộ mang trực thăng (LHD) lớn nhất trên thế giới, được công ty Ingalls Shipbuilding chế tạo dựa trên tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng (LHA) lớp Tarawa.
Hiện có tám tàu đổ bộ Wasp trong biên chế Hải quân Mỹ. Trong đó, tàu đầu tiên gia nhập lực lượng hải quân vào ngày 29/07/1989.
Tàu đổ bộ Wasp có chiều dài 253,2m; rộng 31,8m; lượng giãn nước 41.150 tấn; tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ, tầm hoạt động 9.500 hải lý; thủy thủ đoàn 1.208 người.
Mỗi tàu Wasp có thể mang theo 1.894 lính thủy đánh bộ, năm xe tăng M1 Abrams, ba tàu đổ bộ đệm khí LCAC, 25 xe lội nước đổ bộ AAV, tám pháo tự hành M198, 68 xe tải và 12 xe hỗ trợ khác.
Tàu đổ bộ USS Essex
Ngoài ra, các tàu thuộc lớp này còn được trang bị 64 giường bệnh với sáu phòng mổ. Có thể chuyển đổi thành tàu bệnh viện với 536 giường bệnh.
Một đội bay tiêu chuẩn trên tàu Wasp thường bao gồm: sáu máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier, bốn trực thăng AH-1W SuperCobra, 12 trực thăng CH-46 Sea Knight, bốn trực thăng CH-53 Sea Stallion, 3 – 4 trực thăng UH-1N Huey.
Tùy từng nhiệm vụ cụ thể, mà máy bay trên tàu có thể thay đổi. Hiện tại, các máy bay CH-46 đang dần được thay thế bằng MV-22 Osprey.
Khi tham gia nhiệm vụ đổ bộ, tàu Wasp sẽ thay đổi biên chế với: 42 trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc hơn 22 chiếc MV-22 Osprey. Còn khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát biển, các tàu này sẽ mang theo 20 máy bay AV-8B Harrier II và sáu trực thăng chống ngầm SH-60F/HH-60H.
Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS
Tàu đổ bộ Wasp hiện cũng đang được Hải quân Mỹ thử nghiệm trang bị kèm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35B, nhằm thay thế các máy bay thế hệ cũ AV-8B Harrier II.
(Nguồn: petrotimes.vn – Minh Quân)