CHLB ĐỨC – Kế hoạch định giá carbon bắt đầu từ năm 2021 đang khiến ngành công nghiệp tại CHLB Đức chịu nhiều áp lực. Định giá carbon là cơ chế mà các công ty phải trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon dioxide (CO2) mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Định giá phát thải carbon giúp ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức bằng cách hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó. Vì vậy, ngày càng có nhiều công ty buộc phải triển khai các biện pháp để giảm lượng khí thải có hại cho khí hậu.
Bắt đầu từ năm 2013, cứ mỗi sáu tháng, Viện nghiên cứu về Hiệu quả năng lượng (EPP) của Đại học Stuttgart sẽ kiểm tra các hoạt động có liên quan đến vấn đề hiệu quả năng lượng của ngành công nghiệp CHLB Đức. Theo báo cáo mới nhất, trong số 10 công ty thì có 6 công ty đang nỗ lực để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Một nửa trong số họ đã tiến hành thực hiện các dự án và hành động cụ thể, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Theo báo cáo, không chỉ có rào cản về kinh tế mà những vấn đề về kỹ thuật cũng đang ngăn cản các công ty trong công cuộc trung hòa carbon. Trong một số lĩnh vực, điển hình là sản xuất xi măng, vẫn chưa có phương pháp nào để giảm lượng khí thải ra môi trường. Hơn nữa, kết quả khảo sát cho thấy nhiều công ty đang cố gắng giảm lượng khí thải CO2 của họ bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng (30%), tiếp theo là sản xuất trong nhà (20%) và mua năng lượng tái tạo (18%). Ngoài ra, khu vực bang North Rhine-Westphalia cũng đang thực hiện một giải pháp sáng tạo mới, chú trọng vào giáo dục. Cụ thể, phòng Thương mại và Công nghiệp của bang này đang đào tạo 500 học viên mỗi năm để tạo ra một đội ngũ những người có chuyên môn về năng lượng, có khả năng triển khai các dự án hiệu quả cho các công ty trong khu vực.
Để xem các tin bài khác về “Trung hòa carbon”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Kai Tubbesing/ Hannover Messe)