EPIRB là từ viết tắt của cụm Emergency Position Indicating Radio Beacons – Phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu. EPIRB được dùng để chỉ thị khẩn cấp vị trí bị nạn của tàu qua vệ tinh khi được kích hoạt. Khi một con tàu bị mất liên lạc trên biển thì thiết bị này là một sự trợ giúp hữu hiệu.
Thiết bị này bắt buộc phải trang bị trên tàu theo GMDSS(*), nó có cấu tạo gồm một phao mang antena, bảng điều khiển và thiết bị phát có công suất 5W (một số EPIRB có hai thiết bị phát 5W và 0.25W), một số có tích hợp GPS. Mỗi EPIRB được đăng kí một số nhận dạng duy nhất với cơ quan có thẩm quyền để giúp nhận diện từng tàu.
Tần số báo nạn tiêu chuẩn quốc tế là 406 MHz, tín hiệu nó phát đi được nhận diện trong vòng 3 hải lý. Một số EPIRB có tần số 121.5 MHz nhận diện được trong vòng 15 hải lý. Ngày nay tất cả EPIRB vệ tinh hàng hải hoạt động ở tần số kép 121.5/406 MHz.
EPIRB không được bật sẵn mà phải được kích hoạt để phát tín hiệu. Có thể kích hoạt bằng cách nhấn vào nút ở trên thiết bị, hoặc khi xảy ra tai nạn (chìm tàu) mà nó phải tiếp xúc với nước, thì nó sẽ nổi lên, khóa thủy tĩnh tự động kích hoạt EPIRB. Hay nói cách khác, nó có thể kích hoạt bằng tay hoặc tự động.
(Nguồn: dieukhientaubien.net)
Chú thích: *GMDSS (Global Maritime Distress and Safety System): Hệ thống thông tin an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu, là một hệ thống quốc tế dùng công nghệ liên lạc mặt đất, vệ tinh và các hệ thống vô tuyến trên tàu nhằm đảm bảo gửi báo động cấp cứu nhanh chóng, tự động đến các cơ sở có nhiệm vụ thông tin và cứu nạn trên bờ và cả đến các tàu thuyền ở lân cận trong trường hợp bị nạn.