Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm chi phí sản xuất và giá thành, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.Tuy nhiên, cho đến nay, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chậm phát triển dù Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp này.
Nhập siêu nguyên liệu
Hiện nay, Việt Nam có 30 ngành kinh tế – kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Chẳng hạn như ngành dệt may, da giày hàng năm xuất khẩu mang về hàng tỷ đô la Mỹ, nhưng phần lớn số ngoại tệ đó lại được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện phục vụ cho sản xuất. Ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, Việt Nam có khoảng 210 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô. Nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Vì vậy, mỗi năm ngành sản xuất ô tô trong nước phải nhập khẩu gần 2 tỷ USD linh kiện, phụ tùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử có mặt tại Việt Nam phần lớn là lắp ráp, tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm cụm linh kiện, trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản như: bảng mạch, các linh kiện bán dẫn…
Theo Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Inđônêxia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%. Theo các chuyên gia: “Lợi ích của công nghiệp phụ trợ là mang lại giá trị gia tăng cao. Khi Việt Nam chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp không thể thu được nhiều lợi nhuận. Đặc biệt, Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Đây là cơ hội để có thể tiếp cận một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới, với hơn 792 triệu người, gần 40% GDP và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức như điều kiện chặt chẽ về chứng minh hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ nguyên liệu, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện nay rất thấp sẽ khó lòng chứng minh được xuất xứ là hàng hóa Việt Nam.”
Nhiều yếu kém, hạn chế
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ… Theo quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/02/2011: “Ngành công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”. Trong mô hình lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong bốn yếu tố quan trọng để xây dựng lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Xây dựng công nghiệp phụ trợ là một bước quan trọng trong việc xây dựng các ngành công nghiệp khác.
Tuy nhiên, kỳ vọng phát triển vào lĩnh vực này vẫn chưa thành hiện thực. Tiến sĩ Đặng Đức Đạm, phó Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhận định: “Nguyên nhân ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta còn có những hạn chế, yếu kém là do chính sách thuế nhập khẩu chưa hợp lý, như chính sách bảo hộ thiên lệch cho sản phẩm cuối cùng, bất bình đẳng với sản phẩm hỗ trợ. Một minh chứng rõ nét từ ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, đối với ô tô nguyên chiếc, thuế suất 150%, trong khi thuế suất phụ tùng ô tô chỉ 30%, thuế này chỉ để phục vụ cho các xí nghiệp lắp ráp, khiến cho công nghiệp hỗ trợ không phát triển được. Điều này lý giải tại sao nội địa hóa ô tô ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 5% – 10%. Lý do thứ hai là do chúng ta ưu tiên thuế nhập khẩu cho những sản phẩm hỗ trợ chưa sản xuất được hoặc sản xuất được chưa đảm bảo được về số lượng, chất lượng”. Tóm lại, chúng ta vẫn ưu tiên cho khâu lắp ráp và tiêu thụ, chưa chú ý đến sản xuất hỗ trợ. Vì vậy, cần sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu theo hướng không phân biệt thuế suất với các sản phẩm hỗ trợ và sản phẩm cuối cùng.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) khẳng định: “Việc đầu tư nội địa hóa ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô không có gì khó. Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô hiện nay còn nhiều bất cập. Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong vòng 10 năm là quá ngắn, trong khi chiến lược phát triển ô tô ở các nước khác không bao giờ dưới 30 năm, bởi đây là ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, đồng bộ từ sản xuất phụ tùng đến lắp ráp hoàn chỉnh. Ngoài ra, chính sách vốn vay và lãi suất chưa thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong khu vực. Hiện có nhiều chính sách được các bộ, ngành đưa ra hỗ trợ ngành công nghệ cao nhưng vẫn nằm trên giấy, việc thực thi rất khó.”
Đối với đề xuất sửa đổi thuế nhập khẩu để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Đặng Thái Lai, nguyên trợ lý cho Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí và ngành vận tải ô tô, máy kéo nêu ý kiến: “Chính sách thuế chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ, bởi đã nói đến ngành công nghiệp hỗ trợ còn liên quan đến dây truyền công nghệ và vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm có tốt người tiêu dùng mới mua, chứ chẳng ai dại gì mua sản phẩm không tốt.”
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng ta cần giải quyết các vấn đề về thuế và pháp luật một cách ổn định, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện chính sách phát triển công nghiệp một cách có hệ thống chặt chẽ và dài hơi hơn nữa.
(Theo baocongthuong.com.vn)