Hiện nay, việc sản xuất bao bì trong nước hầu hết vẫn còn sử dụng máy móc cũ, đã qua sử dụng. Bao bì kém chất lượng sẽ dẫn đến kém cạnh tranh, ảnh hưởng đến thành phẩm đựng bên trong, đặc biệt đối với sản phẩm thuốc, thực phẩm…
Thiết bị – quy trình cũ Bà Đỗ Huỳnh Phương Lan, Chủ tịch Hội bao bì thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty in Minh Phương (có tỉ lệ bao bì thành phẩm xuất khẩu đạt 60% năng suất) cho biết: ngành bao bì Việt Nam hầu hết vẫn còn sử dụng máy móc cũ, đã qua sử dụng. Các công đoạn làm ra thành phẩm (sau in) còn thủ công, chất lượng thấp và không đồng bộ. Môi trường sản xuất bao bì, in chật hẹp dẫn đến không bố trí quy trình hợp lý, bảo quản nguyên vật liệu và thành phẩm không đạt yêu cầu, không đảm bảo vệ sinh… Hầu hết các nhà máy sản xuất bao bì đều đơn lẻ, thiếu đầu tư đồng bộ. Nguyên liệu để sản xuất không ổn định, nhà xưởng, kho bảo quản đều không đạt tiêu chuẩn… Do vậy, sản phẩm bao bì trong nước sản xuất hầu hết đều không đạt chất lượng, kém cạnh tranh.
Bao bì sản xuất trong nước mẫu mã xấu, vỏ bao nhăn nhúm… Trong khi đó, bao bì của nước ngoài thiết kế đẹp, sang trọng, màu hài hòa, vỏ phẳng, mịn… Theo bà Lan, bao bì trong nước nhăn nhúm do sử dụng chất liệu kém và sản xuất thủ công. Sản xuất thủ công sẽ làm hạn chế chất lượng và số lượng.
Bao bì kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người vì nó chứa đựng đồ ăn, thức uống, thuốc men, dược phẩm,…
Nâng cao tiêu chuẩn PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học cho biết, nhu cầu bao bì có chất lượng cao (đạt chuẩn quốc tế GMP) đang ngày càng tăng trên thế giới và chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi phí sản xuất dược phẩm. Thị trường bao bì dược ở Mỹ đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2008, với mức tăng trưởng 4,7%/năm. Thị trường toàn cầu khoảng 30 tỷ USD năm 2009 với mức tăng trưởng 5,3%/năm.
Trên thế giới có mười thị trường bao bì dược hàng đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đức, Italia, Ấn Độ, Thuỵ Sỹ và Brazil. Thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam, chi phí cho bao bì chiếm khoảng 10% giá thành của dược phẩm (khoảng 30 triệu USD/năm).
Thị trường ngày càng có nhu cầu cao về bao bì không độc, tạo màng nhiều lớp dùng cho dược phẩm, bảo vệ tốt các dược chất dễ hỏng như: Kháng sinh, thuốc tim mạch, chế phẩm thảo dược… Do vậy, sản xuất đạt chất lượng không chỉ đòi hỏi với ngành dược mà ngành sản xuất bao bì cũng cần nghiêm ngặt hơn.
Bao bì cần được đầu tư tương xứng với sản phẩm
Phải đầu tư không ít Bà Lan cho biết, bao bì có nhiều loại gồm: giấy, nhựa, chai thủy tinh, lọ, hộp, ống, vỉ, túi… Mỗi nhà sản xuất thiên về những loại bao bì khác nhau. Trong mỗi loại bao bì đó có công nghệ riêng và tùy vào nhu cầu của từng nhà sản xuất để đầu tư công nghệ… Theo bà Lan, riêng lĩnh vực sản xuất bao bì giấy thì công nghệ in của Đức được đánh giá là hiện đại nhất.
Công ty Minh Phương đã chi hơn chục tỷ đồng để đầu tư cho dây chuyền sản xuất với các bộ phận: Thiết kế, chế bản, in và ra thành phẩm. Ở khâu ra thành phẩm có bộ phận kiểm tra chất lượng trước khi xuất hàng… Tất cả các bộ phận này được lập trình điều chỉnh bằng các thông số và kết nối với nhau qua hệ thống mạng nội bộ. Các thông số cho phép nhà sản xuất tùy chỉnh màu, chọn chất liệu… và xuất file, đem in, ra thành phẩm.
Bà Lan chia sẻ thêm: Việc đầu tư máy móc thiết bị, máy in thế hệ mới sẽ cho chất lượng in sản phẩm đạt tiêu chuẩn về độ đồng bộ, nhất quán về màu sắc, độ sắc nét, tỉ lệ hao hụt giảm. Đặc biệt, giúp hạn chế tiêu hao nhiên liệu điện, dung môi và hóa chất thân thiện với môi trường… Đầu tư phải đồng bộ từ dây chuyền sản xuất, đến nhà xưởng, con người, quy trình…
Về nguyên tắc, nhà xưởng phải được thiết kế phù hợp với các thao tác sản xuất, có đầu tư các trang thiết bị kiểm duyệt ánh sáng, ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa chim chóc, các loài gặm nhấm… Đặc biệt là các quy trình về điện, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và việc thông gió phải phù hợp; không làm ảnh hưởng bất lợi trực tiếp hoặc gián tiếp tới dược phẩm trong khi sản xuất và bảo quản, hoặc ảnh hưởng đến việc vận hành chính xác của thiết bị…
(Nguồn: pcworld.com.vn)