Lượng khí thải CO2 do ngành hàng không thải ra trên toàn cầu đang là một vấn đề nan giải. Theo số liệu từ tổ chức Atmosfair (CHLB Đức), một chuyến bay dài hơn 8.000km có thể tạo ra 986 kg CO2/hành khách. Con số này với chuyến bay dài 2.000km là hơn 234kg CO2/hành khách, nhiều hơn mức một người thải khí CO2 ra trong một năm.
Với tình trạng này, hãng hàng không của Vương quốc Anh – British Airways đang khám phá các ứng dụng mới của công nghệ in 3D trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy bay. Mục tiêu hướng đến của công ty là nhằm giảm trọng lượng máy bay, từ đó giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường.
British Airways vừa công bố danh sách mười bộ phận của máy bay có thể sản xuất bằng công nghệ in 3D. Danh sách này gồm các bộ phận riêng lẻ như khung ghế, cửa sổ và bảng mạch cho các thành phần điện cũng như vỏ ngoài của máy bay. Công ty nhận thấy việc tối ưu hóa trọng lượng là một trong những yếu tố chính góp phần cho mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo British Airways, các bộ phận và linh kiện máy bay được sản xuất bằng công nghệ in 3D có trọng lượng trung bình ít hơn 55% so với các thành phần được sản xuất thông thường. Tính theo tổng thời gian bay của một chiếc máy bay, British Airways hy vọng có thể loại bỏ 25 tấn CO2 thải ra môi trường cho mỗi kg trọng lượng được giảm. Như vậy, việc giảm trọng lượng của máy bay chắc chắn sẽ tiết kiệm đáng kể lượng CO2 phát thải ra môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ in 3D cũng tạo ra các bộ phận với chất lượng và độ bền cao hơn nhiều so với cách thức sản xuất thông thường. Các hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ khác như Ethihad Engineering, Emirates và Air NZ cũng đang tiếp cận đến công nghệ sản xuất đầy hứa hẹn này.
Để xem các tin bài khác về “In 3D”, hãy nhấn vào đây.
(Nguồn: Kai Tubbesing/ Hannover Messe)